PGS.TS. NGND Nguyễn Đình Thi, Hiệu trưởng trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội chia sẻ trong chương trình On EduTalk - Tư vấn tuyển sinh do Hệ thống Giáo dục HOCMAI phối hợp cùng VTV Cab sản xuất.
Nhiều hỗ trợ khi học ngành nghệ thuật truyền thống
Theo ông Nguyễn Đình Thi, bên cạnh việc miễn giảm 70% học phí, sinh viên đăng kí các ngành học về múa và kịch hát dân tộc còn được hưởng chế độ phụ cấp và cung cấp trang phục trong quá trình học tập.

Sinh viên Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội biểu diễn.
Ông Nguyễn Đình Thi cũng chia sẻ thông tin Cục Nghệ thuật Biểu diễn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt đề án đào tạo diễn viên kịch hát truyền thống cho các tỉnh. Theo đó, sinh viên được miễn hoàn toàn học phí, hỗ trợ chỗ ở và sau khi tốt nghiệp được nhận về làm việc tại các nhà hát.
Năm 2020, Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội tuyển sinh thí sinh dự thi khối S, hay còn gọi là khối nghệ thuật theo hình thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập môn Văn lớp 12 từ học bạ THPT. Học sinh đạt từ 5,0 điểm tổng kết môn Văn sẽ đủ điều kiện xét tuyển vào trường. Thí sinh thi khối S1 với 2 chuyên ngành: Công nghệ dựng phim và Âm thanh điện ảnh - truyền hình , sẽ được xét tuyển bằng điểm tổng kết môn Toán lớp 12.
Phần thi năng khiếu, thí sinh trải qua vòng sơ tuyển và chung tuyển. Trong đó, mỗi ngành và chuyên ngành của trường đều có những dạng bài thi khác nhau. Ví dụ, ngành Điện ảnh - Truyền hình, bài thi sơ tuyển sẽ tập trung kiểm tra kiến thức chung với những câu hỏi về văn hóa, nghệ thuật và xã hội nói chung. Tiếp theo đó, vòng chung tuyển sẽ đi sâu vào kiến thức chuyên ngành. Đối với ngành Biên kịch Điện ảnh, thí sinh cần sáng tác một tiểu phẩm điện ảnh. Ngành Quay phim, thí sinh sẽ tham gia chụp ảnh dã ngoại và thi vấn đáp để kiểm tra tư duy về cảm thụ nghệ thuật.
"Để làm được bài thi kiến thức chung, thí sinh cần nắm những nội dung cơ bản trong giáo trình Văn, Sử lớp 12, đồng thời cũng cần trang bị những hiểu biết nhất định về các vấn đề đang diễn ra trong xã hội. Ngoài ra, bài thi cũng có thể bao gồm các câu hỏi về nghệ thuật để thí sinh bộc lộ khả năng cảm thụ cũng như xây dựng các tình huống. Để hiểu và nắm chắc phương pháp làm bài, thí sinh có thể tham gia các lớp hướng dẫn và giải đáp thắc mắc do trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội tổ chức", PGS.TS. Nguyễn Đình Thi, chia sẻ thêm.
95% sinh viên tốt nghiệp có việc làm
Đối với các ngành và chuyên ngành của Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội đều có chuẩn đầu ra về chuyên môn kết hợp với trình độ ngoại ngữ hạng A2 nhằm đảm bảo sinh viên sau khi tốt nghiệp được trang bị đầy đủ kiến thức, kĩ năng làm nghề, đáp ứng được yêu cầu của công việc.
Thống kê của Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội cho thấy, tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm của trường đạt mức 92 – 95%.

Sinh viên theo học ngành nghệ thuật truyền thống sẽ được nhiều chính sách ưu đãi.
Ngoài ra, sinh viên có thể vận dụng các kĩ năng được học vào các công việc khác. Sinh viên theo học ngành diễn viên có thể đảm nhận vị trí dẫn chương trình, sinh viên ngành đạo diễn có thể ứng tuyển các công việc liên quan đến tổ chức sản xuất sự kiện...
Hàng năm, Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội tổ chức các hoạt động hướng nghiệp với mục đích cung cấp các thông tin về thị trường lao động cũng như chia sẻ, tư vấn về nghề, giúp các em chuẩn bị hành trang cho mình trên con đường sự nghiệp.
Nguyễn Lê