Dầu nhớt trung hòa carbon (Carbon Neutral) là danh mục sản phẩm nằm trong chiến lược giảm phát thải CO2, hướng tới mục tiêu trở thành công ty năng lượng phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Shell. Danh mục sản phẩm này có nhiều loại cụ thể, như Helix và Pennzoil dành cho xe chở khách; Rimula và Rotella dành cho động cơ diesel hạng nặng và nhiều loại dầu nhờn công nghiệp cao cấp...
Với danh mục sản phẩm trên, Shell đặt mục tiêu bù đắp lượng khí thải hàng năm của hơn 200 triệu lít dầu nhớt tổng hợp, tương đương bù đắp 700.000 tấn khí thải carbon dioxide quy đổi (CO2e) mỗi năm. Lượng khí thải được bù đắp này tính ra tương ứng với 340.000 xe ôtô không chạy trên đường trong một năm.
Đây là chương trình trung hòa carbon có quy mô lớn trong ngành công nghiệp dầu nhớt và là chương trình bù đắp lượng khí thải trong toàn bộ vòng đời sản phẩm của Shell. Quy trình bắt đầu từ nguyên liệu thô, bao bì, sản xuất, phân phối, đến sử dụng sản phẩm của khách hàng và sản phẩm cuối vòng đời. Điều này đánh dấu cột mốc quan trọng trong hành trình chuyển đổi năng lượng của doanh nghiệp.
"Người tiêu dùng, khách hàng kinh doanh vận tải và khách hàng công nghiệp khi dùng các sản phẩm trung hòa carbon của chúng tôi sẽ được hưởng những lợi ích như hiệu suất động cơ được cải thiện, tiết kiệm nhiên liệu và theo cách trung hòa carbon", ông Darren McPherson, tân Tổng giám đốc Shell Việt Nam cho biết.
Hiện sản phẩm có mặt tại các thị trường chính trên khắp châu Âu, châu Á - Thái Bình Dương, Trung Đông và Bắc Mỹ. Dự kiến, sản phẩm đầu tiên trong danh mục sẽ có mặt tại thị trường Việt Nam nửa cuối năm nay.
Theo đuổi chiến lược phát triển hướng tới một tương lai phát thải ròng bằng 0, kể từ năm 2016, Shell cho biết đã giảm hơn 30% mật độ carbon trong sản xuất dầu nhờn. Bên cạnh đó, hơn 50% điện năng được sử dụng tại các nhà máy pha trộn dầu nhờn hiện nay là từ các nguồn tái tạo.
Hãng cũng đang giảm chất thải bao bì trên quy mô lớn bằng cách tăng cường sử dụng vật liệu tái chế và nghiên cứu các giải pháp bao bì bền vững hơn trong chuỗi cung ứng.
Shell cho biết luôn duy trì các hoạt động dành cho thế hệ trẻ nhằm tìm kiếm những ý tưởng tiết kiệm nhiên liệu, giảm phát thải khí CO2. Sứ mệnh này của Shell được thể hiện qua cuộc thi Shell Eco-Marathon tổ chức hàng năm trên phạm vi toàn cầu. Đây là cuộc thi kỹ thuật dành cho sinh viên khối ngành STEM với lịch sử hơn 35 năm. Trong suốt nhiều năm tham gia, ý tưởng từ các đội Việt Nam luôn được đánh giá cao và giành nhiều giải thưởng danh giá.
Thực trạng khí thải carbon trong ngành vận tải đường bộ
Theo báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (IPCC), việc kiềm chế được mức tăng nhiệt độ trái đất ở ngưỡng an toàn 1,5 độ chỉ có thể thực hiện nếu các nước thực hiện nghiêm túc lộ trình giảm 50% lượng khí CO2 vào năm 2030, và xuống mức 0% đến năm 2050 cùng cam kết không có thêm khí phát thải mới.
Thực tế, lượng khí thải CO2 toàn cầu đã giảm 5,8% vào năm 2020 do đại dịch Covid-19 cản trở hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho thấy, lượng khí thải CO2 năm 2021 sẽ có khả năng tăng trở lại do phục hồi kinh tế sau đại dịch. Theo đó, IEA ước tính lượng khí thải trong năm nay sẽ tăng gần 5%.
Theo ourworldindata, trong số các tác nhân đứng đầu bảng xếp hạng về khí thải CO2 năm 2018, giao thông vận tải chiếm khoảng 1/5 lượng khí thải CO2 toàn cầu (21%), bên cạnh điện, nông nghiệp và sản xuất. Tính riêng giao thông vận tải, 74,5% lượng khí thải CO2 đến từ các phương tiện vận tải đường bộ: xe chở khách (bao gồm xe ôtô, xe máy, xe bus và taxi) chiếm 45,5% và xe chở hàng (gồm xe tải và xe tải hạng nặng) chiếm 29,4%.
Tại Việt Nam, theo thống kê và dự báo của Bộ Giao thông vận tải, lượng khí phát thải nhà kính của lĩnh vực vận tải đường bộ chiếm áp đảo so với các lĩnh vực còn lại, dự báo tới 85% lượng khí nhà kính phát thải trong năm 2030. Theo sau đó là vận tải đường thủy nội địa chiếm 8% và không thay đổi trong khoảng thời gian từ 2020-2030; ngành hàng không chiếm 6% trong năm 2020 và 5% trong năm 2030. Vận tải đường biển chiếm 2% và phát thải ít nhất là vận tải đường sắt.
Thế Đan (Ảnh: Shell)