![]() |
Ông Kim Man-bok nói chuyện với các con tin vừa được giải cứu tại Afghanistan. Ảnh: AP. |
Khẩu hiệu hoạt động của tình báo Hàn Quốc là "làm việc trong bóng tối vì mục tiêu ánh sáng", nghĩa là các điệp vụ phải thực hiện trong vòng bí mật nhằm phục vụ các lợi ích quốc gia. Do vậy, ông Kim Man-bok đã làm người dân bất ngờ khi lộ diện cuối tháng trước và tuyên bố đang chỉ đạo cuộc thương thuyết với Taliban.
Cá nhân sếp tình báo Kim Man-bok còn làm nhiệm vụ đưa số người Hàn Quốc được giải cứu từ Afghanistan trở về quê hương, sau hơn 6 tuần bị Taliban bắt cóc.
Nhật báo Chosun Ilbo hôm qua cho rằng: "Hoạt động của một cơ quan tình báo là bí mật nên cách hành xử của ông Kim giống như một gã nghiệp dư". Còn bản thân giám đốc NIS phản bác rằng, ông cảm thấy cần thiết phải chỉ đạo các nhân viên ngay tại nơi xảy ra cuộc khủng hoản con tin.
"Nếu trong tương lai các công dân của chúng ta tiếp tục gặp nguy hiểm thì tôi sẽ không ngần ngại đi đến nơi đó, kể cả đó là vùng đất nguy hiểm cận kề cái chết", ông Kim Man-bok tuyên bố.
Kể từ khi đáp máy bay tới Afghanistan hôm 22/8, ông Kim đã xuất hiện trên truyền hình một vài lần và nói chuyện trực tiếp với các phóng viên, đồng thời chấp nhận cho chụp ảnh. Trong chuyến bay đưa các con tin từ Dubai trở về Seoul, truyền hình thậm chí còn quay cảnh ông Kim đang nói chuyện với phóng viên về một người Hàn Quốc bí ẩn ngồi cạnh ông.
"Người này đã thuyết phục Taliban rất giỏi. Ông ấy nói tốt các thứ tiếng Anh, Pashtun và Iran. Tôi có thể nói rằng đây là một nhà đàm phán được thửa riêng cho vụ này", ông Kim vừa bình luận vừa chỉ vào một nhân vật đầy vẻ bí hiểm được báo giới gán cho cái tên "người đàn ông đeo kính râm", vốn xuất hiện khắp nơi và được đồn đoán là một nhật vật "cứng cựa" của NIS.
Một chuyên gia tình báo tại Đại học Kyunggi Seoul là Nam Ju-hong đánh giá: "Cách hành xử của ông Kim khi nói chuyện công khai với giới truyền thông là rất không thích hợp. Việc một giám đốc cơ quan tình báo tới nơi đàm phán có thể tạo ra tiền lệ xấu cho các vụ bắt cóc đang xảy ra khắp thế giới".
Nhật báo tự do Hankyoreh cho rằng: "Tất cả người Hàn Quốc đều biết NIS đã nỗ lực như thế nào trong vụ con tin, kể cả khi họ không khoe khoang về bản thân. Họ đã tự làm mất giá trị của mình bằng cách thức ứng xử cẩu thả. NIS nên chín chắn hơn".
Các giám đốc cơ quan tình báo của Hàn Quốc trước đây thường cố tránh trở thành tâm điểm của giới truyền thông. Ông Kim Man-bok trở thành lãnh đạo của NIS từ tháng 11 năm ngoái và là nhân vật không hề được công chúng biết đến trước cuộc khủng hoảng con tin.
Tháng trước, ông Kim còn tổ chức một cuộc họp báo công bố rằng mình đã thu xếp để tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần hai, sau những chuyến đi bí mật tới CHDCND Triều Tiên. Sự kiện này dự kiến diễn ra vào cuối tháng 8 vừa qua nhưng được hoãn lại tới đầu tháng 10.
Một số người chỉ trích cho rằng chuyến đi của ông Kim Man-bok tới Afghanistan và tích cực xuất hiện trước báo giới là nhằm chuẩn bị cho cuộc chạy đua vào quốc hội trong cuộc bầu cử tháng 4 tới. Tuy nhiên, NIS cực lực bác bỏ và khẳng định ông Kim không hề có ý định ra tranh cử như nhiều nguồn tin phỏng đoán.
Đình Chính (theo AP, Reuters)