Vụ sập núi ở công trình thủy điện Bản Vẽ (Nghệ An) vùi chết 18 lao động. Ảnh: Nguyễn Ngô Phan. |
Thủ tướng đã giao từng bộ có trách nhiệm kiểm tra công tác bảo hộ, an toàn, vệ sinh lao động ở lĩnh vực phụ trách. "Các bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh thành chịu trách nhiệm trước Chính phủ nếu để xảy ra tai nạn lao động gây hậu quả nghiêm trọng", chỉ thị nêu rõ.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phải tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo hộ, an toàn lao động trên các công trình trọng điểm, khu công nghiệp và cơ sở khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng.
Thủ tướng cho rằng để tình hình tai nạn lao động gia tăng, nguyên nhân chủ yếu là công tác bảo hộ, an toàn lao động chưa được quan tâm đúng mức; nhận thức của người sử dụng và lao động còn hạn chế. Công tác thanh tra an toàn lao động chưa được thường xuyên, đặc biệt là tại các công trình trọng điểm, các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn.
Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, năm 2007, cả nước xảy ra gần 6.000 vụ tai nạn lao động, làm 620 người chết, hơn 2.500 người bị thương nặng. Thiệt hại kinh tế khoảng 58 tỷ đồng. Cục trưởng An toàn lao động Đoàn Minh Hòa thừa nhận: "Con số thực tế phải cao hơn nhiều, bởi hiện nay chỉ có 4,5% trong tổng số hơn 250.000 doanh nghiệp của cả nước báo cáo tai nạn lao động. Phần đông còn lại đều trốn tránh".
Đặc biệt, trong 240 vụ tai nạn lao động mà Bộ Lao động nhận được biên bản điều tra năm 2007 thì duy nhất một vụ được chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự và khởi tố trách nhiệm hình sự cá nhân có trách nhiệm liên quan. Hầu hết vụ tai nạn lao động đều bị "chìm xuồng".
Hiện lực lượng thanh tra lao động ở cả trung ương và địa phương đều thiếu trầm trọng. Theo tính toán của ông Nguyễn Văn Tiến, Phó chánh thanh tra Bộ, với 350 thanh tra viên cả nước thì sau 150 năm mới quay lại doanh nghiệp một lần. Vì thế, việc phát hiện vi phạm, nhất là những vi phạm trong an toàn lao động, rất hiếm.
Hồng Khánh