Hầu hết bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm có dùng rau sống. Ảnh: Hoàng Hà. |
Ngày 19/3, có thêm 2 người mắc tiêu chảy cấp ở Hải Phòng được Bộ Y tế xác định là dương tính với phẩy khuẩn tả, nâng tổng số bệnh nhân ở tỉnh này lên 6 người. Tuy số ca thấp hơn Hà Nội 2 ca nhưng Hải Phòng vẫn được đánh giá là nơi có diễn biến bệnh phức tạp nhất. Thành phố này đã có văn bản khuyến cáo người dân không sử dụng và buôn bán các thức ăn sống như nem chua, tiết canh... trong thời gian này.
Qua điều tra dịch tễ, các chuyên gia nhận thấy thực phẩm mà các bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm ở Hà Nội, Hải Phòng và Hà Tây đều rất đa dạng, nhưng điểm chung là đều có rau sống. Tại Hải Phòng, cả 6 bệnh nhân đều ăn rau mua ở chợ An Dương, có nguồn gốc từ vùng rau Kiến An, An Lão (Hải Phòng) và Kim Thành (Hải Dương).
Để truy tìm nguồn gốc khuẩn tả, cơ quan y tế đã lấy mẫu các loại rau ở 3 tỉnh trên và mẫu nước bề mặt (như ao hồ cống rãnh) để xét nghiệm nhưng không phát hiện khuẩn tả. Do đó, Bộ Y tế đã yêu cầu điều tra việc dùng nước và phân bón ở tận nơi trồng rau chứ không chỉ lấy mẫu rau ở chợ. Theo thứ trưởng Trịnh Quân Huấn, nhiều nơi vẫn có tập quán bón rau bằng phân tươi và đây chính là nguồn vi khuẩn tả và nhiều mầm bệnh đường tiêu hoá khác.
Theo ông Huấn, đợt dịch này có thể phát sinh từ những trường hợp người lành mang bệnh của đợt dịch cuối năm 2007. Khuẩn tả trong phân của họ phát tán ra môi trường và ô nhiễm cây trồng. Còn tiến sĩ Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, nhận định dịch tiêu chảy cấp lần này ít có khả năng bùng phát lớn ở Hà Nội do người dân dùng nước máy. Tuy nhiên, vi khuẩn tả vẫn có thể lan truyền đáng kể do tình trạng rửa rau bằng các loại nước ao, mương..., và tưới rau bằng nước bẩn.
Ông Hiển cũng cho biết, việc uống văcxin tả bổ sung ở Hà Nội dự kiến sẽ được thực hiện vào đầu tháng 4 tới.
Hải Hà