Cụ thể, các xe này sau khi bị phát hiện, lập biên bản, nếu vi phạm nghiêm trọng, cơ quan chức năng sẽ tịch thu xe và giam trong một khoảng thời gian nhất định. "Quy định này trước đây đã có nhưng để nghiêm minh hơn, đảm bào tính răn đe, bây giờ Sở Tài nguyên làm chặt hơn", ông Lê Trung Tuấn Anh, Phó phòng quản lý chất thải rắn Sở Tài nguyên môi trường cho biết.
Phát biểu trong Hội nghị "Đề xuất các giải pháp quản lý bùn hầm cầu trên địa bàn TP HCM" sáng 27/8, tại Sở Tài nguyên môi trường, ông Anh cũng kiến nghị tăng mức phạt cao lên, đồng thời đơn giản hóa thủ tục để lực lượng kiểm tra có thể xử lý ngay tại chỗ.
Xe rút hầm cầu đổ bậy bị "chộp" được có thể bị tịch thu. Ảnh: NLĐ |
Ngoài ra, để những xe chở chất thải hoạt động trong tầm kiểm soát, nhiều biện pháp khác như sơn màu xe, gắn niêm chì, hệ thống định vị toàn cầu GPS (Global Positioning System)... cũng được triển khai trong thời gian tới.
Với dân số ước tính gần 8 triệu người, TP HCM hàng ngày có khoảng 250-300 m3 chất thải (theo tỷ lệ 0,05 kg một người mỗi ngày). Tuy nhiên, Công ty Hòa Bình - đơn vị vận hành nhà máy xử lý chất thải hầm cầu duy nhất tại TP HCM - lại ở cách trung tâm thành phố 40 km, nên nhiều xe chuyển chở đã không về đây đổ mà đổ "trộm" ở đâu đó trong khu dân cư.
Theo báo cáo về tình trạng xử lý bùn hầm cầu tại TP HCM, Sở Tài nguyên môi trường cũng thừa nhận số lượng xe vận chuyển về nhà máy xử lý chỉ khoảng từ 30 đến 40 xe trong số hơn 100 xe tại thành phố. "Đương nhiên lượng chất thải nguy hại còn lại này sẽ thải thẳng trực tiếp ra môi trường và rất nguy hiểm", ông Lê Văn Phước, Phó giám đốc Sở Tài nguyên môi trường cảnh báo.
Giải thích về vấn đề này, có ý kiến cho rằng một phần do mức phí 80.000 đồng một xe mà công ty Hòa Bình thu là hơi cao và nên hạ xuống để khuyến khích các xe chở hầm cầu về đây đổ chất thải.
Theo một số đại biểu, đối với những khu vực xa như huyện Hóc Môn, Củ Chi, hoặc quận 12 nên có những bãi trung chuyển hầm cầu để những xe rút hầm cầu thuận lợi hơn trong việc vận chuyển.
Kiên Cường