Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn. Ảnh: H.K. |
- Thưa ông, hiện có xu hướng công chức giỏi rời bỏ nhiệm sở để sang lĩnh vực tư. Ông nhìn nhận thế nào về tình trạng này?
- Đấy là một điều phải suy nghĩ. Thông qua hệ thống của mình, chúng tôi đang nắm lại số công chức nhà nước chuyển sang lĩnh vực tư là bao nhiêu, tìm nguyên nhân cụ thể và đề xuất với cơ quan có trách nhiệm quyết định chính sách với cán bộ công chức nhà nước cho phù hợp, động viên họ làm việc.
Tất nhiên, chúng tôi mong muốn những người giỏi làm việc ở khu vực công. Nhưng có một thực tế là chúng ta đang động viên các thành phần kinh tế cùng phát triển. Một số người ra khu vực tư làm việc, phát triển kinh tế tốt, có điều kiện đóng thuế cho nhà nước thì cũng bổ trợ cho việc giải quyết chính sách cho khu vực công.
- Một trong những lý do công chức ra đi là chế độ đãi ngộ quá thấp. Ông đánh giá thế nào về việc này?
- Lộ trình cải cách tiền lương của nhà nước đã nâng dần lương của công chức, song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Nhưng chúng ta không thể nóng vội trong một thời gian mà có thể nâng lương công chức cao hẳn như khu vực tư được. Cải cách phải trên cơ sở điều kiện kinh tế cho phép. Chúng ta phải trả lương cho cán bộ công chức trên cơ sở kinh tế phát triển, như vậy mới bền vững.
- Thưa ông, như thế phải chăng ta đang luẩn quẩn, muốn có công chức giỏi đề vận hành bộ máy xã hội tốt, nhưng việc nâng lương lại đợi kinh tế phát triển. Trong khi kinh tế khó mà phát triển nếu thiếu đội ngũ công chức giỏi?
- Đợi không có nghĩa không làm gì. Chúng ta có làm, nhưng lộ trình từng bước. Tôi ví dụ như tiến trình cải cách tiền lương, từ năm 2009 chúng ta sẽ nâng lương, phụ cấp cho công chức hành chính, mỗi năm có một tỷ lệ nhất định để nâng dần lên đến mức khuyến khích cho cán bộ làm việc trong khu vực này.
Ngoài lương, Chính phủ khi xây dựng dự luật công vụ cũng đã quy định về điều kiện ưu đãi, như chính sách nhà ở, môi trường làm việc, tạo điều kiện cho công chức phục vụ lâu dài cho nhà nước.
- Một lý do khác khiến công chức ra đi là chính sách đề bạt, bổ nhiệm cán bộ còn bất cập. Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?
- Cái lý do nghỉ không hẳn chỉ là việc bố trí, cất nhắc, đề bạt. Mỗi người nghỉ vì một lý do khác nhau. Hiện nay quy trình đề bạt của chúng ta được bố trí rất chặt chẽ, theo hướng phát huy nhận xét tập thể, động viên người tốt, có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt sẽ được đề bạt, cất nhắc. Cái chung chúng ta làm được, còn có chăng chỗ nào đó làm chưa tốt thì phải uốn nắn, rút kinh nghiệm.
- Vậy ông lý giải thế nào về tình trạng nhiều cơ quan nhà nước than phiền không tuyển và không giữ được người tài?
- Không phải các cơ quan nhà nước không tuyển được người tài. Rất nhiều người giỏi, có năng lực rất muốn vào cơ quan nhà nước. Hiện nhiều người giỏi vẫn làm việc ở khu vực này. Ngoài thu nhập người ta còn có lý tưởng, trách nhiệm với nhà nước. Tuy nhiên điều các anh, chị hỏi cũng là gợi ý cho người quản lý phải suy nghĩ làm thế nào để động viên được họ, đừng để khai thác quá nhiều mà đãi ngộ quá ít.
- Là Bộ trưởng Nội vụ, ông có nhận được đơn thư khiếu nại về việc bổ nhiệm, sử dụng cán bộ công chức do cấp dưới gửi lên?
- Sau kỳ họp Quốc hội, tôi có nhận được một số đơn kiện của các vị đại biểu QH, trách nhiệm xử lý chúng tôi đều chuyển đến cơ quan có thẩm quyền trực tiếp giải quyết và đòi hỏi phải trả lời. Quan điểm của Bộ Nội vụ việc làm không đúng thì phải uốn nắn, còn sai phạm cố ý thì phải được xem xét. Nhưng hiện các cơ quan chưa kết luận xong.
Tôi thấy rằng đối với cán bộ công chức hiện nay, tính liêm chính về cơ bản vẫn tốt. Thế nhưng có một bộ phận thực hiện chưa tốt thì cơ quan nhà nước đang có giải pháp để xử lý.
Hồng Khánh
Ý kiến bạn đọc
Người gửi: Thanh Tu
Theo tôi không những phải có những cơ chế đặc cách đối với người tài mà còn phải có cả cơ chế đặc cách trong vấn đề tuyển dụng người tài. Giả sử một nhân viên xuất sắc đang làm việc tại một doanh nghiệp tư nhân với thu nhập hậu hĩnh mà có nguyện vọng xin vào cơ quan nhà nước, nếu theo cơ chế như hiện nay e rằng khó mà tuyển được chứ chưa nói đến việc giữ chân.
Người gửi: Tan Kien
Khi mới ra trường, tôi rất tâm huyết, có thể nói là mang cả bầu nhiệt huyết ra phục vụ. Nhưng thời gian đã làm nguội lạnh tất cả và tôi thấy mình trở nên thụ động và hình như có chút quan liêu do môi trường làm việc tác động. Đó là vì cơ chế, một "thủ khoa không thể chỉ đến để pha trà cho các lão làng", đúng ra là đồng lương quá thấp.
Người gửi: Trần Vĩnh Ngọc Huy
Tôi là công chức đã công tác 26 năm tại một cơ quan Bộ. Tôi cho rằng đã đến lúc phải thay đổi lại cách ứng xử của nhà nước với đội ngũ công chức. Có người nghĩ công chức lương ít lậu nhiều nhưng thực tế chỉ có điều đó ở một số vị trí công tác. Một công chức như tôi, đến nay lương tháng trên 2,5 triệu đồng (kể cả phụ cấp chức vụ) là quá thấp. Xin đi khỏi cơ quan thì được từ chối khéo vì nhiều lý do.