Thông qua VAMC, SCB đã bán 6.000 tỷ đồng nợ xấu. Theo ông Võ Tấn Hoàng Văn - Tổng giám đốc SCB, ngân hàng tiếp tục rà soát để bán thêm 1.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC.
Ngày 20/3, ngân hàng mời lãnh đạo VAMC làm việc tại hội sở ở TP HCM để bàn về xử lý nợ xấu cũng như việc xử lý tài sản thế chấp, các khoản nợ đang tranh chấp.
Sau 2 năm tái cơ cấu và quyết liệt xử lý nợ xấu, đến nay SCB bắt đầu khôi phục hoạt động cho vay. Bên cạnh việc đẩy mạnh xử lý nợ xấu đã bán cho VAMC, ngân hàng sẽ kiểm soát chặt chất lượng tín dụng, hạn chế tối đa rủi ro nợ xấu phát sinh.
Theo nhận định của ông Nguyễn Văn Dũng - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước, trong giai đoạn đầu khôi phục lại hoạt động cho vay, để tạo nguồn thu phục vụ cho quá trình tái cơ cấu hiện nay, SCB cần tập trung cho vay đối với những lĩnh vực ưu tiên và tham gia các chương trình kết nối cung - cầu vốn trên địa bàn TP HCM. Đồng thời, ngân hàng này cần cắt giảm chi phí đầu vào, cho vay ra ở mức hợp lý.
Tại đại hội cổ đông diễn ra ngày 17/3, hội đồng quản trị SCB đã trình đại hội đồng cổ đông bầu bổ sung hai thành viên hội đồng quản trị mới là ông Võ Tấn Hoàng Văn - Tổng giám đốc SCB và ông Tạ Chiêu Trung thay cho 2 thành viên từ nhiệm là bà Nguyễn Thị Thu Sương - Nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị và ông Trầm Thích Tồn - Nguyên Phó chủ tịch hội đồng quản trị. Các thành viên hội đồng quản trị cũng đã thống nhất bầu chọn ông Đinh Văn Thành - Phó Chủ tịch thường trực hội đồng quản trị SCB giữ chức danh Chủ tịch hội đồng quản trị ngân hàng này, ông Lee George LAM - Phó Chủ tịch thứ nhất, ông Võ Thành Hùng - Phó Chủ tịch hội đồng quản trị, bà Nguyễn Thị Phương Loan - Thành viên hội đồng quản trị độc lập, ông Võ Tấn Hoàng Văn - Thành viên hội đồng quản trị và ông Tạ Chiêu Trung - Thành viên hội đồng quản trị.
Trước việc thay đổi nhân sự ở vị trí cấp cao của ngân hàng này, ông Nguyễn Văn Dũng đánh giá, bà Nguyễn Thị Thu Sương đã có thời gian gắn bó với ngân hàng trong giai đoạn đầu hợp nhất và cũng trải qua không ít khó khăn trong quá trình SCB tái cấu trúc. Vì thế, việc bà Sương ở lại với vai trò cố vấn hội đồng quản trị SCB trong thời gian tới là điều cần thiết. SCB có sự thay đổi nhân sự ở vị trí cấp cao cũng là để phục vụ cho quá trình phát triển trong thời gian tới đây, nhất là giai đoạn sau tái cơ cấu.
Hội đồng quản trị SCB vừa trình phương án tăng vốn điều lệ thêm 1.500-2.500 tỷ đồng, lên 14.295 tỷ đồng, nhằm đảm bảo an toàn vốn trong trường hợp không tăng vốn cấp 2 bằng nguồn ủy thác từ nước ngoài. Phương thức tăng vốn là phát hành riêng lẻ 200 triệu cổ phiếu cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước với giá bán theo thỏa thuận giữa SCB và các nhà đầu tư, nhưng đảm bảo không thấp hơn mệnh giá.
Với nguồn vốn tăng thêm, ngân hàng sẽ sử dụng 250 tỷ đồng để đầu tư, góp vốn kinh doanh; đầu tư hiện đại hóa công nghệ thông tin 255 tỷ đồng; đầu tư xây dựng, sửa chữa trụ sở các chi nhánh 45 tỷ đồng và 1.450 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn kinh doanh. Ngân hàng đưa ra chỉ tiêu hoạt động năm nay gồm tổng tài sản dự kiến đến cuối năm đạt 237.870 tỷ đồng, tổng vốn huy động đạt 206.108 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng đạt 8.600 tỷ đồng, còn tổng lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt mức 121 tỷ đồng.
Các chỉ tiêu hoạt động được ngân hàng này đưa ra cho năm nay, trong đó mục tiêu lợi nhuận được SCB dự kiến ở mức 121 tỷ đồng trước thuế.
(Nguồn: Ngân hàng TMCP Sài Gòn)