![]() |
Ảnh: Today.com. |
Mẫu chip PRAM được Justin Rattner, Tổng Giám đốc công nghệ của Intel, giới thiệu tại Diễn đàn Các nhà phát triển Intel (IDF) 2007 tại Bắc Kinh (Trung Quốc).
Chúng tôi nghĩ rằng công nghệ đổi pha đầy hứa hẹn và những sản phẩm thương mại sẽ bắt đầu được sản xuất từ cuối năm nay, Rattner nói.
Trong công nghệ nhớ mới, dữ liệu được "đựng" trong những chiếc cốc chalcogen hóa (những nguyên tố hóa học thuộc nhóm 16 trong bảng tuần hoàn). Dưới tác động của nhiệt độ sinh ra từ dòng điện, cấu trúc vật lý của chiếc cốc được biến đổi sang trạng thái tinh thể hoặc vô định hình. Mỗi trạng thái này có trở kháng khác nhau và đó là cơ sở để lưu trữ dữ liệu 0 hoặc 1 trong hệ đếm nhị phân.
![]() |
Nguyên lý hoạt động của PRAM. Ảnh: HIT. |
PRAM là công nghệ nhớ lâu dài (không mất dữ liệu khi ngắt nguồn điện), được Intel cùng các hãng cộng tác hy vọng dùng để thay thế cho những dòng chip nhớ flash phổ biến trong ổ USB, thẻ nhớ, máy nghe nhạc PM3 và cả PC với các ổ đĩa lai (hybid driver).
Theo phân tích của giới chuyên gia, loại chip nhớ flash đã gặp giới hạn bởi tốc độ đọc ghi chậm hơn DRAM, dung lượng thấp hơn trong khi giá thành sản xuất lại đắt. Công nghệ flash vốn dựa trên việc bẫy các electron vào ô nhớ. Theo thời gian, việc bẫy và thả những hạt điện tử bị lão hóa khiến cả chip nhớ bị vô hiệu hóa.
Thiết kế PRAM hiện tại của Intel có tốc độ đọc ghi và tăng tuổi thọ hơn hẳn so với flash. Gã khổng lồ bán dẫn hy vọng chip nhớ mới sẽ dần thay thế 2 loại flash NOR và NAND trong lĩnh vực sản xuất ổ đĩa lai hoặc thiết bị nhớ di động giá rẻ.
Tổng Giám đốc công nghệ của Intel cho biết tốc độ của PRAM có thể đuổi kịp và thay thế cho DRAM. Tuy nhiên, việc đó cần thời gian và những PC trong tương lai sẽ đạt đẳng cấp mới về hiệu năng. Khi đó, PRAM sẽ đóng vai trò của bộ nhớ chính, còn DRAM sẽ đóng vai trò của bộ nhớ đệm.
Hưng Hải (theo The Age)