Xưa nay, nghề ăn ong (lấy mật ong) chỉ phổ biến ở vùng rừng U Minh ở Cà Mau và Kiên Giang. Song những năm gần đây, vùng Bảy Núi - An Giang lại xuất hiện nhiều tay khai thác mật ong rừng nổi tiếng, chuyên tìm kiếm ong trên núi để lấy mật.
Dưới chân núi Dài ở An Giang có những ngôi nhà thơm lừng mật ong. Anh Cương, một tay săn ong cừ khôi của vùng Bảy Núi chỉ những chai mật vàng ươm vừa mới lấy từ những tổ ong trên rừng và trong hang đá, nói: "Mật ong chất lượng thơm ngon nhất nếu khai thác bắt đầu từ cuối mùa hạ". Vào mùa xuân cây cỏ nở tưng bừng trên núi nên cũng là mùa các tay săn ong làm ăn.
Sau hơn nửa tiếng đồng hồ băng rừng, vượt núi Dài, thở hổn hển, anh Cương đột ngột dừng lại và đưa tay chỉ một tổ ong mật to bằng chiếc thúng, dài hơn một mét đang bám chặt trên cành cây có độ cao gần 8 mét. Mọi người nấp vào nơi an toàn cách xa tổ ong, còn anh Cương quơ vội một số cỏ khô, lá chuối khô quấn lại thành nhiều bó đuốc và giao cho mỗi người một bó để chuẩn bị đối phó khi bị ong rừng đánh hơi.
![]() |
Tổ ong to trên cây trong rừng núi Dài. Ảnh: Thiên Lộc |
"Sau khi tôi trèo lên cây, mỗi người hãy bình tĩnh và đứng yên một chỗ. Nếu cần có thể đốt đuốc lên, thổi khói cho thật nhiều để làm giảm tính hung hăng của đàn ong đang vỡ tổ, tuyệt đối không được chạy tới chạy lui", người được dân địa phương gọi là "Vua ong rừng Bảy Núi" dặn dò kỹ lưỡng.
Xong, anh trèo thoăn thoắt lên ngọn cây, bật quẹt lửa đốt đuốc và kê miệng thổi vài hơi cho khói lan tỏa quanh tổ trước khi ra tay. Bị khói, đàn ong từ từ bốc bay, sau đó chúng túa ra đen nghịt trên các vòm cây, phát ra một thứ âm thanh rào rào nghe lạnh người. Mọi người nín thở chờ đợi và theo dõi từng động tác của người thợ lấy mật, trong khi ở phía trên đàn ong bao vây tứ phía. Trên cao, người đàn ông vẫn bình tĩnh cắt lấy túi mật bằng những thao tác thành thục, chính xác, nhanh và gọn, không hề có chuyện gì bất trắc xảy ra.
Anh Cương cho biết ở U Minh có tới 15 loại ong rừng, còn miệt núi này chỉ có 3 loài cho mật, đó là ong mật, ong tầng và ong ruồi. Ong tầng thường sống trong hang đá, hốc đá hoặc bọng cây. Ong ruồi nhỏ con hơn, làm tổ trong các bụi rậm um tùm, hiền, ít đánh người. Còn ong mật thì thường làm tổ trên cao, bản tính rất hung tợn, một khi ổ bị động, chúng đánh hơi người rượt xa hằng mấy trăm mét mới chịu bỏ cuộc. Chính vì vậy mà vùng Bảy Núi, ngoài anh ra, ít ai dám khai thác ong mật, vừa vất vả vừa nguy hiểm. Trước đây, nhiều người đi lấy mật đã bị ong đánh phải đưa đến bệnh viện cứu cấp, nay đã bỏ nghề.
![]() |
Hun khói cho ong bay ra khỏi tổ. Ảnh: Thiên Lộc |
Anh Cường nói nghề lấy mật ong trên núi cũng đơn giản, không đòi hỏi phải gác kèo, dọn kèo hoặc sắm đủ đồ nghề như những thợ ăn ong ở rừng U Minh. Tuy nhiên, muốn gắn bó với cái nghề “ăn cơm dưới đất làm việc trên cây”, người ăn ong trước hết cần phải gan dạ và nhiều kinh nghiệm, nhất là hiểu rõ đặc tính của từng loài ong: Mùa nào mật vàng kẹo, thơm lừng và ngọt lịm; khi nào nên khai thác và khi nào ngưng.
Mật ong núi dồi dào và chất lượng cao nhất là từ tháng 9 cho đến hết mùa xuân năm sau. Muốn phát hiện nơi ong làm tổ, anh Cương thường theo dõi đường bay của chúng mà tìm đến một cách chính xác. Với kinh nghiệm nhà nghề, anh chỉ cần quan sát đàn ong bay nhanh hay chậm, thưa hoặc dầy, sớm hay muộn cũng có thể biết được tổ lớn hay nhỏ, mật nhiều hay ít. Ong là một loài sinh vật bé nhỏ nhưng rất siêng năng và cần mẫn, không bao giờ trở về tay không mà bao giờ cũng đầy túi mật, đặc biệt là đi, về rất đúng đường và đúng hẹn.
Vua ong rừng tự hào nói: "Nắm bắt được quy luật đó, tôi chưa bao giờ thất vọng sau mỗi chuyến mang đồ nghề ra đi".
![]() |
Trèo lên cây để cắt túi mật khỏi tổ ong. Ảnh: Thiên Lộc |
Tuy lấy mật ong là nghề phụ nhưng mỗi năm anh Cương cũng kiếm được khoảng 150 lít, bán ra với giá 200.000-250.000 đồng một lít. Anh cho biết một tổ ong mật có thể cho từ 1 đến 3 lít mật, ong ruồi khoảng 1 lít. Loại nào cũng hút toàn mật tinh khiết từ thiên nhiên hoang dã nên nhiều người rất ưa chuộng, lấy bao nhiêu cũng không đủ bán.
Người khai thác mật ong nhưng không bao giờ lạm sát ong non, theo anh Cương. Mỗi lần lấy mật xong anh đều sắp xếp lại các tầng sáp để giúp đàn ong tái tạo nhanh hơn, tuyệt đối không sử dụng ong non để làm món ăn bổ dưỡng. Anh nói: "Mình yêu rừng, rừng sẽ trả ơn người. Còn nếu như mình khai thác một cách vô tội vạ, không thương tiếc chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường. Lúc đó ong sẽ bỏ đi, rừng cây xơ xác và con người cũng sẽ đói nghèo vì không còn lương thực để nuôi sống mình".
Thiên Lộc