Trên con đường liên xã nối từ quốc lộ 1A đến Đức Thạnh, huyện Mộ Đức, khu rừng Nà xanh mướt giữa cánh đồng lúa trĩu vàng. Những thân cây cổ thụ: sộp, trâm, vàng trắng, vối.. vỏ xù xì, thân to đường kính mấy gang tay, vươn cao sừng sững.
Rừng Nà,rộng chừng 17 ha, vốn là Lâm Cấm của làng Thi Phổ Nhì ngày xưa (nay là xã Đức Thạnh) là rừng thiên nhiên giữa vùng đồng bằng. Theo cách gọi cổ xưa của người dân địa phương, từ "Nà" có nghĩa là "Ruộng", bởi rừng Nà bao gắn với diện tích đất canh tác xung quanh, có vai trò duy trì nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nét đặc biệt của rừng Nà là rừng ngập nước nhưng tồn tại ở vùng đất khô ráo ở ven biển.
Đồng lúa trĩu vàng bên rừng Nà ở xã Đức Thạnh, huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi). Ảnh: Trí Tín |
Rừng Nà giữ vai trò như một "tiểu khí hậu", có tác dụng ngăn gió bão mùa đông, mùa hè chặn gió cát từ phía biển thổi vào, hạn chế cát xâm lấn ruộng đồng, cung cấp nước cho vùng ruộng xung quanh.
Giữa rừng Nà còn lại nhiều hố bom - di tích của những năm tháng chiến tranh khốc liệt nay đã trở thành hồ cá, trữ nước tự nhiên quanh năm tạo ẩm cho các cánh đồng xung quanh. Những năm chiến tranh, nơi đây là căn cứ hoạt động, trú ẩn của cán bộ cách mạng tỉnh Quảng Ngãi.
"Trong chiến tranh rừng Nà đã cứu sống biết bao nhiêu người dân trong làng, trở thành căn cứ vững chắc nuôi giấu cán bộ. Giờ đây rừng tích nước cung cấp cho đồng lúa vào mùa khô, chắn gió vào mùa bão", ông Phan Văn Tiến (73 tuổi) tự hào nói.
Tiến hành đề tài "Nghiên cứu tạo lập cơ sở dữ liệu, đề xuất giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học, môi trường và lịch sử khu sinh thái rừng Nà", các nhà khoa học thuộc Sở Khoa học công nghệ, Sở Tài nguyên môi trường Quảng Ngãi ghi nhận 123 loài động vật có xương sống, 52 loài thực vật (cây lấy gỗ, làm thuốc quý hiếm)... sống trong rừng Nà. Trong đó, nhiều chim nước như cò, vạc... thường quần tụ, sinh sống với số lượng lớn lên đến hàng nghìn cá thể.
Nhờ rừng Nà tích tụ nguồn nước quanh năm, giữ ẩm cho đồng ruộng nên những cánh đồng lúa ở xã Đức Thạnh luôn bội thu. Ảnh: Trí Tín |
Các nhà khoa học ghi nhận rừng Nà là một thắng cảnh đẹp với rừng cây tự nhiên, đầm lầy, gò đồi được bao bọc bởi xóm làng, đồng ruộng và nằm gần bãi biển Đức Minh. "Nếu biết bảo tồn, đầu tư khai thác, rừng Nà sẽ trở thành một di tích lịch sử cách mạng, du lịch sinh thái hấp dẫn khách du lịch", thạc sĩ Nguyễn Quốc Tân, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường Quảng Ngãi, nói.
Trí Tín