Nếu như mọi năm, sau lễ tiễn ông Công, ông Táo, người dân xã Hưng Nhân (Hưng Nguyên, Nghệ An) thường “tự thưởng” cho mình những ngày nghỉ ngơi để dọn dẹp nhà cửa, cùng nhau ra thành phố Vinh sắm Tết thì năm nay, không khí ở đây vắng lặng khác thường.
Vùng ngoài đê Tả Lam ở Hưng Nhân từ nhiều đời nay được xem là rốn lũ của xứ Nghệ. Trong đợt lũ lịch sử vừa qua, 100% hộ dân Hưng Nhân ngập chìm trong nước, hầu như nhà nào cũng ngập mái, phải đi sơ tán khắp nơi. Lũ rút, Hưng Nhân ngập ngụa trong bùn đất, những cánh đồng ngoài bãi phần bị cát vùi lấp, phần bị xói lở đến tả tơi, toàn bộ xã bị bao phủ một màu bạc phếch. Lũ rút, cũng như bao vùng rốn lũ khác, người dân Hưng Nhân cầm hơi bằng những chai nước khoáng, những thùng mì tôm, những hạt gạo và những bộ quần áo từ các đoàn cứu trợ, của những nhà hảo tâm.
“Lụt thì lút cả làng”, không thể ngồi mãi để chờ cứu trợ được, ngay khi nước rút, người dân vùng rốn lũ bắt đầu ra đồng, sản xuất nhưng ông trời cũng không thương họ khi mà đợt rét đậm, rét hại kéo dài đã khiến cho những thửa mạ, những đám lúa, những ha ngô, rau màu đầu tiên thứ thì không lên được, thứ thì lên mà chậm lớn…
![]() |
Những ngày cận Tết, nông dân vùng rốn lũ đón Tết trên đồng ruộng. Ảnh: Nguyên Khoa. |
Những ngày cận Tết, người dân Hưng Nhân vẫn hăng hái xuống ruộng. “Chúng tôi năm ni đón Tết trên đồng ruộng thôi. Rét mướt, khổ cực nhưng vẫn phải cố gắng, để ra Tết mới làm thì muộn mất, lại không tránh được lũ về vụ sau”, chị Nguyễn Thị Lan vừa cày ruộng vừa tâm sự.
Hầu như lượng gạo cứu hộ hiện đều đã cạn, không kể ngày Tết đang cận kề, người dân vùng rốn lũ đang bắt tay vào làm lại vụ đông, tranh thủ gieo trồng hơn 100 héc ta ngô và rau màu như bầu lấy ngọn, rau cải, rau mùi, đậu cô ve; khôi phục 40 ha rau ngót để cung cấp cho thị trường Tết. Hàng trăm lao động ở Hưng Nhân đang tích cực tham gia vào các tổ nghề như mộc, xây, nề, đổ bê tông...
Trong căn nhà không có gì giá trị ngoài chiếc ti vi được Hội Chữ thập đỏ hỗ trợ, gia đình chị Phan Thị Xuân vừa nói chuyện Tết nhất vừa lo lắng: “Dân vùng lũ vừa mong Tết đến vừa không, đón năm mới mà thùng gạo cứ vơi, không có tiền để sắm quần áo mới cho con cái, nghĩ mà thấy tủi”.
Cùng chung tâm trạng như chị Xuân, bà Ngô Thị Mai (70 tuổi) thở dài: “Hết lũ lịch sử lại đến rét đậm người dân không còn mong chi Tết nhất nữa mà chỉ mong cho trời ấm lại để sớm được ra đồng mà thôi. Dân làng đang trông chờ những đám ngô, khoai, lúa ngoài bãi mau lớn để cho thu nhập hơn là chờ Tết đến”.
Như đáp lại nỗ lực và tinh thần hăng say lao động bà con nông dân, những thửa ruộng bạc phếch dần trở thành những cánh đồng xanh mướt màu no ấm. Chạy dọc bãi bồi sông Lam, màu xanh mơn mởn của của ngô, khoai lang, rau bầu lấy ngọn… đang phủ lấp những bãi bồi cát bạc sau lũ.
Vừa tranh thủ hái rau cho vợ mang xuống thành phố bán, bác nông dân Hồ Đức Cần vui vẻ: "Đất sau lũ tốt lắm chỉ cần chịu khó là các cây trồng cứ thế mà lớn lên thôi. Ngô, rau, tôi vừa trồng sau lũ đã tốt bời bời, đảm bảo lương thực cho cả người và phục vụ chăn nuôi”.
Nói về không khí làm việc hăng say của bà con, ông Nguyễn Công Hoan, Chủ tịch UBND xã Hưng Nhân cho biết: “Bấy lâu nay, người dân vùng lũ đang sống nhờ vào tấm lòng của đồng bào hảo tâm để vượt qua cái đói. Mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng với tâm lý sẵn sàng “Đón Tết trên đồng để trong nhà no ấm”, người dân Hưng Nhân chúng tôi đang nỗ lực vượt khó, cải tạo đất cát, ruộng đồng để đảm bảo sau Tết, người dân sẽ tự túc được lương thực và ổn định lại cuộc sống”.
![]() |
Ngay sau lũ, người dân đã chăm lo sản xuất, đàn lợn thịt là cứu cánh cho gia đình anh Nguyễn Văn Nam ở xã Đức Lạng huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh). Ảnh: Nguyên Khoa. |
Cùng chung tâm trạng như ở Hưng Nhân, người dân vùng rốn lũ của huyện Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ (Hà Tĩnh) cũng đang đón Tết trên đồng với nhiều tâm trạng khác nhau. Anh Nguyễn Văn Nam ở xã Đức Lạng huyện Đức Thọ kể, ngay khi nước rút, bà con đã tất tả ra đồng sản xuất cho kịp mùa vụ và cải tạo chuồng trại để chăn nuôi trở lại.
"Dịp Tết này, gia đình tui bớt lo lắng hơn bởi đàn lợn 6 con trong chuồng đã đến ngày xuất bán. Nhiều hộ gia đình khác trong làng cũng đang trông chờ Tết ở những đàn gà, những con lợn đang lớn từng ngày. Dù nhiều khó khăn nhưng ai cũng mong Tết đến vui hơn, ấm cúng hơn và trôi nhanh hơn để được sớm ra đồng sản xuất”", anh Nam hồ hởi
Nói về chuyện Tết nhất, ông Hoàng Công Lý, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê, cho biết, dù người dân đã hết sức cố gắng, sớm ra đồng để ổn định cuộc sống nhưng dư âm của hai trận lũ còn quá nặng nề. Hầu hết người dân vùng ngập sâu chưa thể gượng dậy được.
"Để giúp bà con ăn Tết, huyện sẽ quyên góp để tặng nếp, bánh chưng, thịt lợn cho những hộ quá nghèo, không có khả năng ăn Tết", vị Phó chủ tịch huyện nói.
Một mùa xuân mới lại về trên những vùng rốn lũ ở xứ Nghệ, trên đồng, ngoài bãi, những thửa mạ non cũng đang bắt đầu nhú mầm xanh sau những ngày rét buốt, những ruộng ngô, ruộng rau đang rộ màu xanh biếc. "Chắc chắn là khó khăn nhưng trời và đất sẽ không phụ công người. Mùa xuân mới, lúa ngô sẽ xanh hơn, rau sẽ được giá hơn và sức người cũng sẽ dẻo dai hơn", bác nông dân già ở xã Hưng Nhân vừa bừa ruộng vừa cười vang trong rét buốt.
Hà Nguyên Khoa