Tôi bị rối loạn nhịp tim sau khi mắc Covid-19. Trước khi bị Covid-19, tôi leo cầu thang bộ nhà 40 tầng trong 18 phút, nhịp tim trung bình trong quá trình leo là 97. Sau 2 tháng bị Covid-19, trong quá trình đeo Holter theo dõi nhịp tim 24 tiếng của bác sĩ, tôi leo 20 tầng trong 35 phút thì nhịp tim lên 135 nên lập tức dừng lại.
Sau đó, chỉ số SpO2 của tôi liên tục giảm: lần một xuống 93, lần 2 xuống 88 rồi lại lên, lần 3 xuống 82 tôi bị tê cứng chân tay và co giật toàn thân (kéo dài khoảng 2 phút). Tôi nằm nghỉ nhưng 12 tiếng sau khi di chuyển ngồi trên ôtô, SpO2 đột ngột rơi xuống 62. Tôi rơi vào trạng thái tê cứng và co giật, rung toàn thân nghiêm trọng kéo dài 20 phút, nhịp tim lên 180 rồi giảm dần nhưng chậm.
Tôi đã đến bệnh viện tại thủ đô Nur-Sultan của Kazakhstan (nơi tôi đang làm việc), bác sĩ đã làm xét nghiệm máu, nước tiểu, X-quang phổi, CT phổi, CT não, siêu âm tim, điện tim điện não, và kết luận không tìm ra dấu hiệu bất thường nào và cho tôi uống Coracxan 5 mg và cho ra viện.
Hiện tại, tôi rất yếu, khi đi lại thì khó thở, căng tức ngực, khó chịu và mệt kiệt sức. Xin bác sĩ tư vấn, tôi nên làm gì? Xin cảm ơn bác sĩ! (Nguyễn Văn Đạo)
Trả lời:
Chào bạn,
Chúng tôi rất chia sẻ với tình trạng rối loạn nhịp tim và giảm khả năng gắng sức sau mắc Covid-19 của bạn. Các rối loạn nhịp tim, lo âu, hạn chế khả năng gắng sức sau mắc Covid-19 hoặc ngay cả sau tiêm vaccine ngừa Covid-19 là những triệu chứng dai dẳng rất thường gặp khi bệnh nhân đến khám với chúng tôi.
Trường hợp của bạn có hai vấn đề. Thứ nhất, bạn gắng sức quá mức sau mắc Covid-19 khiến khả năng phổi không đáp ứng được nhu cầu oxy cơ thể, gây thiếu máu não co giật, bạn không nên lặp lại mức gắng sức như vậy nữa.
Thứ hai, để lượng giá mức gắng sức phù hợp với mình, chúng tôi khuyên bạn nên làm nghiệm pháp gắng sức (Treadmill) được thực hiện bởi các bác sĩ tim mạch. Trong quá trình bạn gắng sức, các bác sĩ tim mạch sẽ theo dõi sát toàn trạng của bạn và thông báo mức tới hạn cơ thể bạn có thể dung nạp, từ đó có lời khuyên cho bạn về mức gắng sức và các môn thể thao bạn có thể rèn luyện phù hợp với thể lực của bản thân. Chúng tôi tin tưởng với sự rèn luyện kiên trì và phù hợp sức khỏe của bạn, chức năng phổi sẽ hồi phục.
Người Việt Nam có bác sĩ Nguyễn Khắc Viện sống thêm 50 năm khỏe mạnh chỉ với 2/3 phổi trái (ông phải cắt phổi phải và 1/3 phổi trái vì lao phổi). Ông đã ra đi nhưng để lại bài tập thở quý giá, bạn có thể tham khảo trên mạng. Vậy nên không có căn cứ gì mà bạn không sống vui sống khỏe sau khi có chế độ sinh hoạt và luyện tập phù hợp. Rất mong tin vui hồi phục sức khỏe từ bạn.
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Đức Hưng
Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội