Bệnh nhân đến một bệnh viện ở TP HCM khám, bác sĩ chẩn đoán rò dưỡng chấp trong ổ bụng, điều trị bằng phương pháp bảo tồn nội khoa, thay đổi chế độ ăn. Tuy nhiên, lượng dịch rò ra ngày càng nhiều, bệnh nhân được chuyển ra Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Ngày 29/10, TS.BS Nguyễn Ngọc Cương, Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Can thiệp điện quang, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết đây là ca rò dưỡng chấp hiếm gặp sau mổ, chỉ định can thiệp qua da. Ngày đầu tiên, bệnh nhân được đặt ống dẫn lưu, hút ra gần 6 lít dịch trong ổ bụng.
Hiện, sức khỏe bệnh nhân ổn định.

Bác sĩ can thiệp cho bệnh nhân bị rò dịch. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Theo bác sĩ Cương, rò dưỡng chấp là tình trạng dịch bạch huyết ruột bị rò rỉ, thoát ra khỏi hệ thống tuần hoàn bạch mạch. Dịch bạch huyết có thể di chuyển vào các khoang tự nhiên trong cơ thể (như khoang màng bụng, khoang màng phổi, khoang màng ngoài tim...) đe dọa đến tính mạng người bệnh. Hiện vẫn chưa thể tiên lượng bệnh nhân nào sẽ gặp tình trạng này.
Để điều trị, bác sĩ dùng một kim nhỏ tiêm vào hạch bạch huyết nằm dưới da vùng bẹn để bơm chất cản quang vào hạch, sau đó thuốc cản quang này sẽ đi lên theo tuần hoàn bạch huyết. Từ đó, các bác sĩ phát hiện điểm rò và tiến hành nút điểm rò bằng một kim nhỏ chọc vào vùng bụng.
"Đây là một kỹ thuật rất khó do ống bạch huyết có đường kính khoảng 1,5-2 mm và can thiệp ở vị trí rất khó", bác sĩ nói. Sau 24 giờ, người bệnh được theo dõi và cho ăn qua đường ruột cho đến khi xuất viện an toàn.
Rò dưỡng chấp sau mổ rất hiếm gặp và là nỗi "ác mộng" của các bác sĩ phẫu thuật do tỷ lệ thành công rất thấp, khó tìm được chỗ rò và nguy cơ tai biến cao. Nếu không điều trị, người bệnh sẽ bị rò hàng lít dịch mỗi ngày khiến cơ thể suy kiệt, suy dinh dưỡng, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Minh An