From: Nga Tran
Sent: Thursday, May 31, 2007 1:35 AM
To: Tamsu@VnExpress.net
Subject: Tam su - Nam tinh
Tôi rất đồng ý với ý kiến của hai bạn Sương Mai và Hằng Thu. Tất nhiên phải thừa nhận rằng ở đâu cũng có người nọ, người kia và đàn ông tốt, lịch sự, biết giúp đỡ người khác vẫn còn nhiều. Nhưng thực sự mà nói tôi và nhiều chị em rất buồn về chuyện nam tính của khá đông đàn ông Việt Nam. Chúng tôi nói ra đây để chia sẻ, tâm sự, mong cách anh hiểu phần nào suy nghĩ của chị em, nếu có so sánh với đàn ông nước ngoài cũng chỉ để minh họa rõ hơn trong một số hoàn cảnh, chứ không có ý “tây cái gì cũng tốt, ta cái gì cũng xấu”.
Tôi đã làm việc ở một vài công ty có cả người Việt và người nước ngoài, và thật đáng buồn ở đâu tôi cũng gặp những chuyện đàn ông thiếu nam tính như trong các câu chuyện các bạn chia sẻ. Trong thời gian 5 năm tôi làm tại một công ty liên doanh, do trong gian đoạn xây dựng văn phòng, chúng tôi phải chuyển văn phòng 3 lần, cả 3 lần các công việc dọn dẹp chuyển đồ đều do chị em phụ nữ làm là chính.
Tuy chúng tôi có thuê một công ty chuyển văn phòng chuyên nghiệp, nhưng vẫn còn vô số việc phải làm và chỉ có chị em phụ nữ, các sếp và nhân viên nam người nước ngoài đóng thùng, dọn dẹp, lắp máy móc, trực, giúp đỡ nhân viên vận chuyển. Đa phần nhân viên nam người Việt (trừ một vài nhân viên mới và 1-2 người cũ khác), dù đã được phân công cụ thể phụ trách một số việc, nhưng làm chiếu lệ và luôn tỏ ra dọn dẹp, kê khiêng không phải việc của mình. Người tranh thủ trốn đi nghỉ trong những ngày dọn văn phòng, thậm chí đồ đạc cá nhân không thèm dọn, người đến một lúc dọn đồ cá nhân rồi đủng đỉnh ra quán café hoặc hẹn bạn bè.
Chúng tôi buồn hết sức và đáng buồn hơn là các đồng nghiệp nam nước ngoài cũng không thể hiểu nổi đồng nghiệp nam người Việt. Mỗi lần chuyển sau, họ đều cố gắng có kế hoạch cụ thể để các anh buộc phải tham gia nhiều hơn, tích cực hơn, nhưng đều không chút cải thiện. Các anh luôn lạnh lùng, không quan tâm. Trong số các anh, nhiều người rất xuất sắc và có trách nhiệm trong công việc chuyên môn, nhưng không hiểu sao trong những việc chung tập thể lại hành xử như vậy.
Việc dọn văn phòng là việc lớn đã vậy, nói chi việc hằng ngày các anh càng không bao giờ quan tâm, giúp đỡ đồng nghiệp nữ. Tôi nhận thấy, ở công ty nhỏ, có ít nam giới và toàn người Việt Nam thì đồng nghiệp nam có trách nhiệm, thân thiện và nam tính hơn, còn ở công ty có nhiều nam giới và họ có vị trí trong công việc một chút, nhất là trong các công ty liên doanh, họ lập tức đua nhau thể hiện sự lạnh lùng, vô cảm.
Thật ra, phải nói là rất nhiều đàn ông thể hiện sự thiếu nam tính của mình ở mọi nơi, mọi chỗ, không chỉ ở cơ quan mà ngay ở trong gia đình, nơi công cộng. Và không chỉ đàn ông có trình độ học vấn thấp như ý anh Vung Nguyen nói, mà cả những kỹ sư, cử nhân, thạc sĩ…, không chỉ ở thành phố mà cả ở mọi vùng nông thôn, nhiều người đàn ông không có hoặc đã quên mất khái niệm nam tính.
Trong gia đình, trừ những anh đảm nhiệm việc nội trợ, ai cũng thấy là rất ít đàn ông giúp vợ việc nhà. Họ quá ỷ lại vào vợ và người giúp việc, trong khi phụ nữ cũng phải đi làm vất vả như họ. Có anh bận công to việc lớn đã đành, nhiều anh hàng năm, hàng tháng chả bận việc lớn gì, nhưng cũng không quen ‘làm việc nhỏ’. Có thời gian rỗi họ xem tivi và tụ tập bạn bè.
Không ít gia đình, thậm chí cả việc đóng đinh, thay vòi nước hỏng, thay bóng đèn cũng không phải việc của các anh. Tất cả đổ lên vai người phụ nữ của họ, nhiều trường hợp cả việc nuôi sống gia đình. Cũng phải so sánh để có cơ sở góp ý với các anh, tôi và nhiều anh, chị chắc cũng đã nhiều lần được mời đến gia đình người nước ngoài ăn cơm, hay đã chứng kiến, xem tivi, đều thấy những hình ảnh các ông chồng nước ngoài giúp vợ làm bếp, lau dọn nhà.
Nhưng ở Việt Nam liệu có được bao nhiêu gia đình như vậy? Ở các cơ quan tôi làm thì chị em nào cũng than thở là hiếm khi được chồng giúp đỡ từ việc nặng đến việc nhẹ, trừ khi nhờ gì làm đấy, chứ không có chuyện thường xuyên hay tự nguyện.
Ở công sở thì đã nhiều chị em đã nói rồi. Ở nơi công cộng, có lẽ mọi người đã quá quen với việc nam giới dửng dưng với người già, trẻ em trên xe buýt hay phụ nữ mang đồ nặng. Nhưng chị em nào ở nước ngoài lâu năm hay thường xuyên đi nhiều nước sẽ ít nhiều cảm thấy buồn với nhiều người trong số các anh. Em trai tôi cũng thừa nhận khi mới đi học ở nước ngoài về, nó ga lăng hơn, thường xuyên mở cửa cho phụ nữ và giúp đồng nghiệp nữ việc nặng, về nước làm việc càng ngày nó càng ‘chuối’ vì ‘ở đây ga lăng thấy lạc lõng lắm và toàn bị các đàn anh vỗ vai khen đểu đến phát ngượng’.
Đàn ông trí thức, có học vấn cao thì ‘không có trách nhiệm’ làm ‘những việc cỏn con’, ‘những việc phụ nữ’ như kê, khiêng bàn ghế, việc nhà. Đàn ông ở nông thôn lúc rỗi rãi họ làm gì? Họ tụ tập quán nước, lô đề, uống rượu, cờ bạc… Còn vợ họ? Chạy chợ, làm thuê, bòn mót bất cứ thứ gì kiếm ra tiền, cơm nước, lợn gà, cám bã… để nuôi con và nuôi ông chồng lô đề, cờ bạc, rượu chè, thỉnh thoảng hoặc thường xuyên ‘nện cho vợ con một trận’ để cho ‘chúng nó’ biết ‘thằng này là thằng đàn ông trong cái nhà này’.
Không biết bao nhiêu làng quê Việt Nam phải chứng kiến những cảnh này, phổ biến ở những vùng sâu, vùng xa, miền núi. Tôi nhớ đã xem một chương trình truyền hình, hình như một phóng sự xã hội, về những phụ nữ suốt đời gánh vác cả gia đình trên đôi vai bé nhỏ của họ, không có lấy chút chia sẻ của chồng, nói chi là mong các ông thể hiện nam tính lúc cần thiết, biết giúp đỡ phụ nữ. Ai đã xem chương trình đó thì hẳn còn nhớ cảm giác xót xa, đau đớn cho thân phận những phụ nữ nông thôn có những ông chồng như trong phóng sự.
Phụ nữ thì bao giờ cũng là phụ nữ, với những vai trò, thiên chức thể hiện nữ tính của họ. Phụ nữ nông thôn càng ‘phụ nữ’ hơn, họ vất vả và ít sự lựa chọn. Còn nam giới? Vẫn biết các anh có nhiều đức tính đáng quý. Và chúng tôi đã, đang và sẽ còn phải chung sống với những người đàn ông ‘thiếu nam tính’. Nhưng mong các anh đừng ngần ngại thể hiện nam tính, trách nhiệm, sự quan tâm, chia sẻ khó khăn với những người phụ nữ của mình trong gia đình, với đồng nghiệp nữ trong công sở và với trẻ em, phụ nữ nơi công cộng.
Mong các anh hãy làm gương và giáo dục con trai, cháu trai mình, trong lúc chờ đợi cơ hội làm những việc lớn, từ nhỏ hãy biết giúp đỡ, chia sẻ với mẹ, với chị việc nhà, đến trường giúp đỡ bạn gái, ra đường giúp đỡ người già, trẻ nhỏ hơn, khi trưởng thành giúp đỡ chia sẻ với vợ việc nhà và với đồng nghiệp việc cơ quan. Bởi không ít đấng nam nhi, từ nhỏ đến lớn cứ chờ hoài cơ hội được làm việc lớn mà chưa hề động tay động chân giúp đỡ người thân, đồng nghiệp những ‘việc nhỏ’ thì thật đáng tiếc và đáng trách. Để chúng tôi, nếu không được tự hào lấy các anh ra làm gương cho đồng nghiệp nước ngoài, thì cũng không phải đặt những phép so sánh bất đắc dĩ.
Tất nhiên, tôi xin nói lại, tôi đề cập đến một hiện tượng đang phổ biến, một số đông đang hiện hữu. Tôi không có ý vơ đũa cả nắm, chỉ trích tất cả đàn ông Việt Nam.
Hằng Nga