Chị Dương Hà tự nhận mình có thói quen sinh hoạt lành mạnh, khoa học. Một ngày mới của chị bắt đầu từ 6 giờ sáng, sau khi vệ sinh cá nhân, chị dành 30 phút để lướt qua các mặt báo, đọc tin tức. Hoàn tất bữa sáng, Hà đến cơ quan làm việc lúc 8h.
Hà là một trong 20 tư vấn viên cho Tổng đài tư vấn cai nghiện thuốc lá miễn phí tại Bệnh viện Bạch Mai thành lập năm 2015. Miêu tả công việc của mình, chị miêu tả ngắn gọn: "nhân văn, nhiều sắc màu, mang lại ý nghĩa cho cộng đồng".
Hàng ngày, để bắt đầu công việc cho ngày mới, các tư vấn viên sẽ kiểm tra lại hệ thống máy móc, đảm bảo hoạt động tốt để tiếp nhận cuộc gọi. Sau đó rà soát danh sách người cai thuốc cần gọi lại hỗ trợ trong ngày, tỉ mẩn, xem ghi chú nghề nghiệp, giờ giấc sinh hoạt của từng người, nhân viên sẽ tiến hành tư vấn.
"Trước đây, tổng đài chỉ nhận cuộc gọi của người có nhu cầu cai nghiện thuốc lá. Từ tháng 4/2017 , chúng tôi triển khai chương trình gọi lại chủ động cho bệnh nhân, để hỗ trợ họ cai thuốc và ngăn ngừa tái nghiện hướng đến mục đích vì cuộc sống không khói thuốc", chị Hà cho biết.
Quy trình tư vấn người cai nghiện thuốc lá trải qua nhiều công đoạn. Ban đầu, khi tiếp nhận cuộc gọi từ người có nhu cầu bỏ thuốc, nhân viên tư vấn sẽ xác định họ thuộc đối tượng nào, quyết tâm đến đâu.
Nhóm người có ý định cai nghiện thuốc lá có thể chia thành nhiều dạng: thờ ơ, có ý định, gặp những rào cản (biểu hiện trong quá trình cai thuốc), giai đoạn củng cố (đã cai nhưng có thể là bỏ thành công hoặc tái nghiện).
Với những người có ý nghĩ cai nhưng thái độ thờ ơ (chưa thực sự quyết tâm) thì bác sĩ, tư vấn viên sẽ nói về tác hại của thuốc lá, lợi ích khi cai đối với sức khỏe, sau đó cam kết cả hai bên cùng cố gắng trong quá trình cai thuốc lá. Tùy từng giai đoạn, bác sĩ sẽ đưa ra kế hoạch cai cụ thể, biện pháp, lời khuyên phù hợp.
Trong quá trình cai, nhân viên tư vấn gọi điện cho người có nhu cầu bỏ thuốc lá ít nhất 7 lần: trước ngày cai đầu tiền ngày, ngày bắt đầu cai, sau cai thuốc một tuần, một tháng, 3, 6, 9 tháng và một năm. Trong các cuộc nói chuyện, chuyên gia sẽ động viên, hỏi về những rào cản họ gặp phải từ đó có những phương án điều chỉnh phù hợp.
"Mỗi người là một câu chuyện cụ thể, nhân viên tư vấn không chỉ có kiến thức chuyên sâu về cai thuốc lá mà cần kỹ năng tư vấn chuyên nghiệp, nắm bắt tâm lý tốt. Với những người cai thuốc khó tính, sự kiên trì, nhẫn nại, mềm mỏng là chìa khóa để thành công, chúng tôi hướng đến giúp người cai phát huy quyết tâm của mình", chị Hà chia sẻ.
Sau 4 năm hoạt động, với tâm huyết, nỗ lực của cả tập thể , tổng đài đang hỗ trợ chủ động hơn 4.000 người hút thuốc, 900 người cai thuốc lá thành công (dừng thói quen hút thuốc trên một năm).
Bên cạnh tổng đài tư vấn qua điện thoại, phòng tư vấn cũng tích cực hoạt động hỗ trợ điều trị cai nghiện thuốc lá cho người có nhu cầu cai trực tiếp tại bệnh viện, hoặc bệnh nhân nhập viện hút thuốc. Đến nay, phòng tiếp nhận tư vấn, hỗ trợ cai thuốc cho 350 đối tượng, gần 700 bệnh nhân tại các khoa, phòng, trong đó, 270 người cai thuốc thành công.
Với mục đích cung cấp các thông tin về tác hại thuốc lá, lợi ích sau cai, hướng dẫn các phương pháp hỗ trợ giúp cai thuốc, Bạch Mai đẩy mạnh việc truyền thông, chú trọng nội dung, cách trình bày để thông tin đa dạng, dễ tiếp nhận. Đồng thời, cán bộ nhân viên bệnh viện cũng tiến hành tư vấn ngắn cai thuốc lá cho hàng nghìn người bệnh điều trị nội trú.
Năm 2015, Bệnh viện Bạch Mai cùng Qũy Phòng chống tác hại của thuốc lá hợp tác thành lập, phát triển Trung tâm tư vấn cai nghiện thuốc lá gồm tổng đài tư vấn miễn phí với đầu số 1800-6606, phòng hỗ trợ trực tiếp cai nghiện thuốc lá trong bệnh viện.
Trải qua 4 năm hoạt động, dưới sự chỉ đạo của Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, chương trình của Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận hơn 50.000 cuộc gọi, tư vấn cho 31.200 cuộc gọi.
Ngọc Thi