Tại cuộc làm việc của Thường trực Thành uỷ Hà Nội với quận Long Biên ngày 11/4, Chủ tịch UBND quận Long Biên Vũ Thu Hà đã đề nghị thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên cùng các ngành liên quan sớm di dời Nhà máy xe lửa Gia Lâm.
Chủ tịch quận Long Biên cho hay, Nhà máy xe lửa Gia Lâm có diện tích 20 ha, thuộc quyền quản lý của Chi nhánh Tổng công ty Đường sắt Việt Nam - Liên hiệp sức kéo đường sắt.
Theo bà Hà, nhà máy nằm ở vị trí trung tâm quận, vị trí thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, nhưng hiện việc sử dụng đất tại nhà máy chủ yếu để cho thuê, sử dụng sai mục đích, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường.
Về cơ sở pháp lý của đề xuất, lãnh đạo quận Long Biên nói trong báo cáo về các cơ sở ô nhiễm cần di dời của Sở Tài nguyên có ghi “Nhà máy xe lửa Gia Lâm là cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”. UBND TP Hà Nội cũng đã có văn bản giao Sở Tài nguyên chủ trì, lập kế hoạch và tổ chức di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch đô thị trước năm 2020.
"Theo quy hoạch phân khu, vị trí đất nhà máy đang sử dụng thuộc ô quy hoạch có chức năng đất công cộng của thành phố", bà Hà nói.
Thống nhất với đề xuất trên, Giám đốc Sở Giao thông Vũ Văn Viện cho rằng quận Long Biên nên gắn việc di dời Nhà máy xe lửa với xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 thì "dễ được chấp thuận hơn”.
Cũng đồng tình với việc di dời nhà máy, nhưng theo Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông Phan Lan Tú, nói đến Gia Lâm người ta nghĩ đến Nhà máy xe lửa, tên nhà máy đã gắn với đời sống cư dân địa phương.
Giám đốc Sở Thông tin đề nghị, sau khi di dời nhà máy, địa phương nên dành một phần diện tích làm bảo tàng để lưu giữ kỷ vật của công trình này.
Nhà máy xe lửa Gia Lâm (còn gọi là Nhà máy hỏa xa Gia Lâm) được thành lập năm 1905. Thời điểm này, Gia Lâm là giao điểm của 4 tuyến đường sắt phía Bắc do Công ty Hỏa xa Vân Nam cai quản, khai thác, do vậy Nhà máy xe lửa Gia Lâm được thành lập để sửa chữa đầu máy hơi nước và các loại toa xe. Lúc bấy giờ, Nhà máy chiếm diện tích 50 ha ruộng đất của nông dân. Diện tích nhà xưởng khoảng gần 4.500 m2 có 14 vị trí lắp ráp đầu máy. Phong trào đấu tranh cách mạng của công nhân Nhà máy Xe lửa Gia Lâm diễn ra mạnh mẽ từ khi thành lập cho đến năm 1945. Sau đó, nhà máy phục vụ tích cực cho kháng chiến và xây dựng đất nước qua các thời kỳ. |
Võ Hải