Putin (phải) và Medvedev, một ngày trước cuộc bầu cử tổng thống Nga. Ảnh: Reuters. |
Đó là loại câu hỏi mà các quan chức Mỹ đang đặt ra trước cuộc bầu cử tổng thống Nga, trong đó đồng minh thân cận của Tổng thống Putin - ông Dmitry Medvedev - giành chiến thắng, và sau đó đến lượt Putin trở thành thủ tướng của Medvedev.
"Hầu như không có cơ hội để mối quan hệ (Nga - Mỹ) vượt lên ... trong những ngày tháng còn lại" của chính phủ George Bush, ông Stephen Sestanovich, chuyên gia của Hội đồng quan hệ quốc tế - một cơ quan nghiên cứu ở Washington, phát biểu.
Nhiều nhà quan sát cho rằng tuy Putin không còn làm tổng thống, ảnh hưởng của ông, nhất là trong chính sách đối ngoại, sẽ vẫn còn rất mạnh.
"Tại Nga, sẽ có một người đàn ông mới ngồi ở bàn tổng thống, nhưng ai biết được mức độ độc lập về quyền lực mà tổng thống mới có được", Sestanovich nói thêm.
"Tôi không cho là sẽ có những thay đổi thực sự trong chính sách đối ngoại của Nga, đặc biệt là thay đổi theo hướng ấm lên", Nikolai Petrov, một chuyên gia của Viện nghiên cứu hòa bình Carnegie Endowment, bình luận.
"Đối ngoại là lĩnh vực mà ông Putin đạt được nhiều thành công nhất, theo đánh giá của người dân Nga", ông nói. "Không có lý do nào mà ông Medvedev lại thay đổi quan điểm ... về đối ngoại trong thời gian trước mắt. Ông Medvedev sẽ không làm điều đó ngay cả nếu ông ấy muốn".
Với 11 tháng còn lại trong nhiệm kỳ, ông Bush không có cách nào khác ngoài thừa nhận rằng Mỹ khó có thể làm gì ngoài chờ đợi và quan sát bộ máy quyền lực mới của Nga. Bush phát biểu trước một cuộc họp báo rằng ông chỉ biết rất ít về Medvedev - nhà lãnh đạo trẻ nhất nước Nga thời hiện đại. Hai người mới chỉ gặp nhau một lần vào năm 2004.
Với quan điểm chờ và xem, ông Bush không tán thành ý kiến cho rằng Medvedev sẽ chỉ là con rối trong tay Putin. Nhưng ông sẽ thận trọng trong việc tạo lập mối quan hệ với tổng thống mới của Nga.
Bush vẫn miêu tả mối quan hệ với Putin là "ấm áp", bất chấp những căng thẳng ngoại giao giữa Washington và Matxcơva thời gian gần đây, nhưng Medvedev không hề tỏ ra quá hâm mộ Tổng thống Mỹ.
"Sẽ dễ làm việc với những người có quan điểm hiện đại, hơn là những người quá gắn với quá khứ và đôi khi còn bảo vệ các ý tưởng lạc hậu", Medvedev phát biểu mới đây. "Chúng tôi sẽ làm việc với chính phủ (Mỹ), cho dù là chính phủ của phe nào" sau cuộc bầu cử vào tháng 11 ở Mỹ, ông nói thêm.
Bình luận về triển vọng quan hệ giữa tân tổng thống Nga với Tổng thống Bush, Michael McFaul - chuyên gia cao cấp của Viện nghiên cứu Hoover, nói: "Ở Nga hiện nay người ta không quan tâm nhiều đến ông Bush nữa. Họ coi ông ấy là vị tổng thống chờ mãn nhiệm thôi".
Trong khi đó, các vấn đề vốn chia rẽ Washingotn và Matxcơva ngày càng trở nên gai góc hơn, đến mức các chuyên gia về quan hệ đối ngoại cho rằng trong thời gian trước mắt khó có thể làm điều gì đó để hàn gắn những vết nứt này. Một trong những vấn đề nóng là việc Kosovo tuyên bố độc lập khỏi Serbia - hành động được Mỹ và phương Tây ủng hộ nhưng gặp sự phản đối quyết liệt từ Nga. Vấn đề nữa là căng thẳng phát sinh do kế hoạch triển khai hệ thống tên lửa của Mỹ ở châu Âu.
Bush cho biết ông sẽ quan sát những dấu hiệu thay đổi chính sách ngoại giao của Nga. Sẽ là rất thú vị - ông nói - khi chờ xem người đại diện của Nga tới dự Hội nghị thượng đỉnh G8 mùa hè tới ở Nhật là ai.
T. Huyền (theo Reuters, AFP)