Làm nghề kiến trúc sư, chuyên đi thiết kế nội thất cho các ngôi nhà, điều Trang luôn trăn trở là những lối mòn trong suy nghĩ, trong thị hiếu của người tiêu dùng. Đó cũng là lý do Trang thay đổi rất nhiều công ty và giờ cô làm kiến trúc sư tự do. Trang cho biết, với mỗi công trình bao giờ cô cũng làm hai bản vẽ, một bản theo những khuôn mẫu có sẵn và một bản theo phong cách sáng tạo riêng. Và kết quả thì luôn biết trước. Dù không ít nhà thầu tỏ ra thích thú với những thiết kế phá cách của cô, nhưng họ không bao giờ chọn để thi công, chỉ vì một lý do lợi nhuận.
Một góc Chuồn chuồn Phố. Ảnh: Đắc Kiên. |
Lối lên Chuồn chuồn Phố là một cầu thang hẹp, chỉ đủ một người đi. Vượt qua cầu thang nhỏ, đầy bí hiểm, nhiều người choáng ngợp bởi một không gian rộng lớn mở ra trước mắt, tưởng mình lạc vào thế giới đồng quê, trong những câu truyện cổ tích của bà, của mẹ.
Lấy cảm hứng từ dân gian, với những bờ ao, con kênh, những người nông dân sớm hôm chài lưới, quán được thiết kế trên nền hai chất liệu chủ yếu là gỗ mộc và nan tre. Từ chiếc bình hoa trên bàn, đến quyển thực đơn đều được làm bằng tay với một nét riêng độc đáo. Thực đơn được làm bằng chất liệu giấy gió, với nét chữ viết tay rất mộc mạc như chất liệu nền của nó, trên đó là tên những món rất gợi cảm như Chuồn chuồn Cam, Diễm xưa, Hạ Trắng...
Trần Tâm, sinh viên ĐH Kinh Doanh và Công nghệ, một khách quen của quán cho biết:: "Mình thực sự ấn tượng, với phong cách thiết kế. Có những thứ dường như chỉ có thể thấy trong tưởng tượng hay trong những trò chơi của trẻ thơ thì ở đây nó lại là hiện thực". Nhiều người đến đây để tìm cảm hứng sáng tạo. Chính sự phá cách độc đáo của quán, khiến người ta thêm tin rằng: "Không có gì là không thể".
Những chiếc đèn - đó, một trong những vật trang trí mang đậm nét dân gian của quán. Ảnh: Đắc Kiên. |
Vóc người nhỏ nhắn, khuôn mặt trái xoan với nụ cười tươi tắn, không ai nghĩ Trang sinh năm 82. Gia đình không có ai làm kinh doanh nhưng cô lại có ham thích đặc biệt với công việc này từ nhỏ. Trang có "phi vụ" kinh doanh đầu tiên khi đang học cấp hai. Cô cùng mấy người bạn mở một cửa hàng lưu niệm ở Văn Điển, bán những đồ do chính tay họ làm. "Khi đó, sáng nào mình cũng đạp xe hơn chục cây số từ nhà đến tận Văn Điển để bán hàng" Trang kể. Nhưng hết thời gian nghỉ hè, quầy hàng cũng phải đóng cửa vì các cô chủ nhỏ bận đi học. Sau đó suốt từ thời cấp 3, đến sinh viên Trang còn nhiều vụ kinh doanh nữa, bán hoa, bán kẹo, bán bóng bay... "Mình tận dụng mọi cơ hội để có thể bán cái gì đó kiếm tiền", Trang cười hóm hỉnh.
Phi vụ làm ăn "không chính thống" cuối cùng và cũng là thất bại "đau đớn" nhất của Trang là một lần làm thầu trại. Khi đó cô đang học năm thứ 4 đại học. Biết được một trường cấp 3 tổ chức đi dã ngoại. Trang cùng một người bạn đứng ra nhận thầu toàn bộ việc cắm trại và tổ chức. Khi cả trường đã đến nơi, đợi hàng tiếng đồng hồ vẫn không thấy trại đâu. Nguyên do là cửa hàng cho thuê lều trại mà Trang đặt đã không đúng hẹn. Sau thất bại này cô tự nhủ: "Mình không có khiếu kinh doanh, từ giờ không động đến chuyện làm ăn nữa".
Nhưng đến tháng 8/2006 cùng một cô bạn thân, Trang mở quán, cô lại bước vào nghiệp kinh doanh. Chuồn Chuồn Phố, một tay Trang thiết kế, lăn lộn hàng tháng trời cuối cùng cũng thành hiện thực. Quán mở ra, lại có khó khăn mới, lượng khách rất ít ỏi. Tuy nằm trên tuyến phố khá trung tâm, nhưng lại ở gác 2, người đi đường chỉ biết đến quán qua một biển hiệu khiêm tốn. Nhiều người thậm chí đã biết địa chỉ nhưng vẫn không thể tìm được quán. Ba tháng đầu Trang phải bỏ tiền túi để trả lương cho nhân viên, và tất nhiên không có lương cho mình. Vừa phải duy trì nghề kiến trúc để kiếm tiền, vừa phải lăn lộn với quán. "Nhưng khó khăn nhất với Trang lại là vấn đề niềm tin. Không phải lúc nào mình cũng đủ can đảm để tin rằng những ý tưởng của mình là đúng đắn", Trang tâm sự.
Vượt lên khó khăn, sau hơn một năm hoạt động, giờ quán đã có lượng khách ổn định, và đang ngày càng có lãi, nhưng với Trang còn một thứ thu nhập khác. "Tìm được những sự đồng cảm, đó là thu hoạch lớn nhất của mình. Cảm giác đơn độc đôi khi đáng sợ hơn người ta tưởng rất nhiều", Trang nói.
Dự định của Trang là sẽ có thêm Chuồn chuồn Phố 2, 3 và nhiều nữa. "Những quán sau với số vốn dày hơn, mình sẽ có thêm đất để thực hiện các ý tưởng", Trang nói. Giờ đây, bên cạnh việc điều hành quán, Tramg vẫn không bỏ nghề kiến trúc, nhiều khi chính Chuồn chuồn Phố lại mang đến cho cô các khách hàng tiềm năng.
Bạn có những ý tưởng kinh doanh độc đáo, sao không chia sẻ cùng mọi người? Hãy gửi ý tưởng của bạn về đây
Kiên Thành