Thông tin được Chủ tịch UBND quận 7 Hoàng Minh Tuấn Anh cho biết tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên với Ban Thường vụ Quận ủy quận 7 sáng 5/9. Cuộc làm việc nhằm đánh giá kết quả phòng chống Covid-19 ở địa phương và đưa ra phương hướng, kịch bản cho những ngày tới.
Trong đợt bùng phát dịch thứ tư, quận 7 ghi nhận 10.828 ca nhiễm, xếp thứ 11/22 quận, huyện tại TP HCM. Cách đây 3 ngày, cùng với huyện Củ Chi, quận đã công bố kiểm soát được dịch. Hôm qua, làm việc với chính quyền Củ Chi, ông Nên cho biết có thể chọn hai địa phương này làm hai mũi đột phá, thí điểm việc chuẩn bị kịch bản "bình thường mới" cho TP HCM sau ngày 15/9.
Theo Chủ tịch UBND quận 7, hiện địa phương đã lập trung tâm nghiên cứu mô hình phát triển kinh tế xã hội giai đoạn bình thường mới. Trong phương án khôi phục kinh tế, dự kiến từ ngày 20/9 quận sẽ cho hoạt động kinh doanh trở lại đối với mặt hàng thiết yếu và kinh doanh đường phố. Điều kiện để mở cửa là tiêm vaccine 2 mũi, hoạt động theo phương thức "3 tại chỗ" và tuân thủ 5K. Thời gian đầu, quận cho phép hoạt động từ 6 đến 18h hàng ngày, khuyến khích bán hàng online, không phục vụ trực tiếp, chỉ bán mang về.
"Cửa hàng sau khi được thẩm định đạt tiêu chí sẽ gắn bảng hộ kinh doanh 'xanh' hoặc hộ kinh doanh an toàn. Việc mở cửa trở lại thực hiện từng bước, từng ngành nghề theo lộ trình", ông Tuấn Anh nói và cho biết tương tự, chợ truyền thống khi mở bán trở lại cũng phải có phương án cụ thể, đảm bảo phân luồng, có thể hoạt động theo ngày chẵn, ngày lẻ...
Về kết quả chống Covid-19, ông Tuấn Anh cho biết quận kiểm soát dịch bệnh theo 3 tiêu chí: quản lý F0 trên địa bàn, tỷ lệ tiêm vaccine và đánh giá vùng nguy cơ. Tỷ lệ tử vong trên địa bàn những ngày gần đây giảm, hơn 99% người dân (248.2000) đã được tiêm mũi 1, khoảng 9,5% người dân đã tiêm mũi 2, hơn 4.000 người nước ngoài được tiêm.
Về công tác quản lý F0, tính đến ngày 4/9, quận có tổng cộng 2.461 trường hợp F0 đang chăm sóc tại nhà. Số bệnh nhân Covid-19 tại các khu cách ly tập trung của quận là 2.716 người.
Từ ngày 15 đến 25/8, quận đã đánh giá 3 lần để xác định vùng nguy cơ đối với 747 tổ dân phố. Đến nay có 191 tổ dân phố "vùng đỏ" (chiếm 25,5%), 47 tổ dân phố "vùng cam" (chiếm 6,3%), 100 tổ dân phố "vùng vàng" (chiếm 13,4%) và 409 tổ dân phố "vùng xanh" (chiếm 54,5%). Hiện, "vùng xanh" và "vùng vàng" không còn F0, quận không có điểm phong tỏa, "vùng xanh" tăng lên 68,6%.
Về các đề xuất, lãnh đạo quận 7 cho biết đặc thù của địa phương có Khu chế xuất Tân Thuận với khoảng 45.000 lao động lưu trú tại 3 phường: Tân Thuận Đông, Tân Thuận Tây và Bình Thuận. Do đó, quận kiến nghị thành phố thống nhất chủ trương cho các doanh nghiệp tạm sử dụng (1-2 năm, kể từ thời điểm bàn giao đất) các khu đất công do nhà nước quản lý chưa triển khai để xây các khu lưu trú tạm cho công nhân (quy mô một tầng, kết cấu tạm và mật độ xây dựng 60%).
Quận 7 cũng đề xuất thành phố xem xét miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong năm nay và quý 1/2022 để giúp doanh nghiệp và hộ kinh doanh phục hồi sản xuất kinh doanh. Thành phố tiếp tục hỗ trợ các gói an sinh cho công nhân và lao động; hỗ trợ các bộ kit test nhanh (3 ngày/lần) cho hộ kinh doanh khi khôi phục hoạt động trong một tháng đầu.
Thành phố sớm phân bổ thêm vaccine để quận kịp tiêm cho người nước ngoài, công nhân, người tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và những trường hợp đã đủ thời gian khoảng cách giữa 2 mũi theo khuyến cáo của Bộ Y tế với số lượng hơn 178.000 liều.
Đồng thời, quận kiến nghị thành phố bổ sung thuốc điều trị, chăm sóc chu đáo cho bệnh nhân F0; nhân lực y tế, máy móc, vật tư, trang thiết bị để vận hành Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Số 1 giai đoạn 2 dự kiến 600 giường; tiếp tục có các gói hỗ trợ an sinh cho công nhân và lao động; hỗ trợ các bộ kit test nhanh cho hộ kinh doanh một tháng đầu khôi phục hoạt động.
Đến nay, TP HCM đã trải qua hơn 3 tháng siết chặt giãn cách. Thời gian này, các dịch vụ, kinh doanh mặt hàng không thiết yếu phải đóng cửa. Hơn 2 tháng qua, các cửa hàng, dịch vụ bán đồ ăn uống mang đi dừng hoạt động. Nhiều doanh nghiệp, nhà máy phải tạm ngưng vì không đáp ứng được yêu cầu "3 tại chỗ". Từ 23/8 đến nay, người dân được yêu cầu "ai ở đâu yên đó", chính quyền cung cấp lương thực, thực phẩm đến tận nhà.
Hữu Công