Người gửi: Manh Huan
Tôi có chung nhận xét với anh Huỳnh Ngọc Kỳ.
Tôi có một cháu bé dang học bán trú lớp 2 tại TP HCM. Vì học bán trú nên hằng ngày (từ thứ 2 đến thứ 6), cháu ra khỏi nhà đi học từ 6h30 (trường vào học lúc 7h15, nếu đi trễ sẽ bị ghi tên) và chỉ về tới nhà khoảng 5h30 chiều. Thời gian đi học nhiều như vậy nhưng cháu vẫn còn rất nhiều bài tập về nhà mà phải mất 2-3 tiếng, có sự trợ giúp của bố mẹ, thì mới hoàn thành. Vì vậy con tôi rất hiếm khi được đi ngủ trước 10 giờ khuya.
Chính vì nhiều bài tập quá nên cháu không còn thời gian để luyện tập các môn vận động thể chất khác, mặc dù tôi vẫn hiểu là việc đó rất quan trọng cho lứa tuổi của cháu.
Tôi thường nghe nhiều người phàn nàn học sinh Việt Nam thiếu khả năng hòa nhập với xã hôi và thiếu các kỹ năng sống. Tôi nghĩ, việc học bài quá nhiều cũng là một trong các lý do làm cho các em không còn thời gian tham gia xây dựng các hoạt động kỹ năng khác.
Người gửi: Ngô Dư
Tôi có một đứa cháu ở cạnh nhà đang học lớp hai, lớp chọn. Ban ngày cháu đi học hai buổi ở trường, tối về tôi thấy hai mẹ con cháu hôm nào cũng sáng đèn sớm nhất là 10h, có hôm đến 11h đêm. Ngày nghỉ thì cháu chỉ chơi điện tử hoặc đá bóng với các bạn một lúc, có khi đang chơi thì bị mẹ lôi về học, ấm ức lắm nhưng cháu vẫn phải chấp nhận.
Tôi không hiểu tại bài tập các thầy cô ra nhiều bài hay tại mẹ cháu ép học, nhưng ngoài danh hiệu học sinh giỏi ra, ai cũng bảo cháu rất hư và bướng bỉnh.
"Tiên học lễ, hậu học văn", sự ép buộc học hành văn hóa quá mức sẽ làm cho các cháu phát triển không toàn diện và đồng đều, cả nhân cách lẫn sức khỏe (dễ bị stress, hay nổi cáu, mắt nhanh cận...)
Cường độ học như vậy, có thể nói các cháu còn vất vả và cực khổ hơn người lớn rất nhiều. Hỡi các bậc cha mẹ và thầy cô, có hiểu thấu nỗi khổ con trẻ?