Từ ngày biết đến ứng dụng thanh toán trên di động, cuộc sống của Phạm Xuân Phong (26 tuổi ở Hà Nội) thảnh thơi hơn nhiều. Không cần nhớ mang theo ví hay thẻ ngân hàng, Phong vẫn có thể thanh toán bằng cách chạm điện thoại vào máy POS.

Phong cho biết, nhiều bạn bè, đồng nghiệp của anh cũng bắt đầu chuyển qua thanh toán di động, hạn chế dùng tiền mặt trong những giao dịch hàng ngày bởi nó tiện lợi, nhanh chóng lại an toàn. Với một chiếc điện thoại, mọi người có thể mua cafe, đồ ăn hay thanh toán hóa đơn điện nước... một cách dễ dàng, thuận tiện.

Không chỉ phát triển ở nhiều nước trên thế giới, thanh toán không tiền mặt dần trở thành xu hướng tất yếu tại Việt Nam. Sự phát triển của Internet và công nghệ di động đã góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng của người Việt. Thay vì sử dụng tiền mặt, nhiều người Việt chọn giải pháp thanh toán di động trong các giao dịch hàng ngày.

Giao dịch qua di động trong 9 tháng đầu năm 2017

Theo khảo sát của Visa được thực hiện bởi YouGov và Toluna, 83% người Việt chọn thanh toán không tiếp xúc thay tiền mặt. Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ ra, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh đã giảm từ 14% năm 2010 xuống còn 11,45 % vào tháng 8/2017.

Bên cạnh đó, tổng lượng giao dịch thanh toán qua di động cũng tăng trưởng mạnh. Theo số liệu của Vụ thanh toán Ngân hàng Nhà nước, trong 9 tháng đầu năm 2017, số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt trên 90 triệu với tổng giá trị hơn 423.000 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2016.

Nhiều chuyên gia đánh giá, thị trường thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam giàu tiềm năng phát triển và đang trở thành "miếng bánh béo bở" cho nhiều doanh nghiệp, công ty fintech phát triển. Hàng loạt ông lớn gia nhập thị trường với nhiều phương tiện thanh toán không tiền mặt mới.

Bên cạnh các phương thức phổ biến như hệ thống Mobile Banking của các ngân hàng hay máy POS, hình thức thanh toán không tiếp xúc, sử dụng điện thoại quét qua các thiết bị thanh toán hoặc thanh toán trực tiếp trên điện thoại cũng phát triển nhanh.

Một trong những đơn vị tiên phong khai phá thị trường này là "ông lớn" Samsung với ứng dụng Samsung Pay. Ra mắt từ 9/2017, đến này, phương thức thanh toán này có hơn 400.000 người đăng ký sử dụng với 500.000 giao dịch, tổng giá trị ước tính khoảng 350 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Quang Hiền Huy - Phó Tổng giám đốc, Giám đốc điều hành ngành hàng Thiết bị di động, Công ty Điện tử Samsung Vina, sự đơn giản, tính bảo mật và độ phủ rộng chính là 3 yếu tố giúp việc thanh toán trên điện thoại di động của Samsung phát triển nhanh, góp phần thúc đẩy mục tiêu đưa tỷ lệ thanh toán không tiền mặt xuống dưới 10% vào năm 2020 của Chính phủ.

Đồng quan điểm, đại diện ngân hàng Shinhan cho rằng, việc thay đổi nhận thức và thói quen thanh toán của người tiêu dùng là yếu tố quan trọng để Việt Nam tiến gần tới xã hội không tiền mặt”. Việc hợp tác với Samsung - nhà tiên phong phát triển các ứng dụng thanh toán trên điện thoại thông minh, là bước đi chiến lược để đẩy mạnh các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Sự bùng nổ của các ứng dụng thanh toán di động sẽ thúc đẩy Việt Nam tiến gần hơn với xã hội không tiền mặt song lại khai mào cho một cuộc chiến không hồi kết giữa các doanh nghiệp trong ngành. Để giành thị phần, họ buộc phải đổi mới công nghệ.

Gần đây, ông lớn Samsung càng chứng tỏ tham vọng lớn trên thị trường Việt Nam với việc tung ra những tính năng mới chưa ai có. Nâng cao trải nghiệm người dùng, giúp cho việc thanh toán di động bằng Samsung Pay dễ dàng, tiện lợi và an toàn tiếp tục là mục tiêu của trong 2018 của hãng công nghệ.

Samsung Pay vừa trình làng tính năng thanh toán bằng đồng hồ thông minh Gear S3, mang lại trải nghiệm khác biệt cho nhiều bạn trẻ năng động. Ngoài điện thoại, giờ đây, một chiếc đồng hồ cũng được dùng để thanh toán thay cho ví, thẻ ngân hàng.

Khi tiền mặt vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong giao dịch, Samsung Pay tiếp tục đánh vào thị hiếu người dùng khi ra mắt thêm tính năng rút tiền qua điện thoại tại các cây ATM. Hiện, ứng dụng đã được triển khai trên hệ thống ngân hàng Shinhan nhưng ông lớn ngành thanh toán di động này kỳ vọng có thể ứng dụng tính năng này ở hầu hết ngân hàng trong chuỗi liên kết của mình.

Samsung Pay đang trở thành một chiếc ví di động khi khách hàng có thể thêm và quản lý các loại thẻ trên ứng dụng. Ngoài thẻ ngân hàng, các loại thẻ thành viên, thẻ tích điểm sẽ có ngay trên điện thoại.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục cải tiến và phát triển Samsung Pay để khách hàng có thể trải nghiệm nhiều tính năng mới của một chiếc điện thoại. Qua đó, chúng tôi cũng mong muốn đóng góp vào mục tiêu xây dựng xã hội không tiền mặt", ông Nguyễn Quang Hiền Huy nhấn mạnh.

Theo đại diện Samsung Pay, việc địa phương hóa ở từng quốc gia là chiến lược để mở rộng thị trường. Trong khi nhiều phương thức thanh toán di động khác không thay đổi ở từng nước, hãng công nghệ lại chủ động thích nghi để phù hợp với thói quen tiêu dùng, sử dụng tiền mặt và phi tiền mặt ở nước đó.

Ví dụ, tại Mỹ, Samsung Pay mới đây công bố tích hợp PayPal, vốn là đối thủ có lượng người dùng lớn thứ hai thị trường. Do nhiều người Mỹ có thói quen dùng PayPal. Tương tự, tại Việt Nam, ông lớn này không giấu tham vọng trở thành phương thức thanh toán được sử dụng phổ biến hàng đầu, dù bị giới hạn trong chiếc điện thoại Samsung.

Từ khi chuyển qua dùng điện thoại Samsung Galaxy S8, anh Phong mới biết đến tính năng thanh toán trên di động. Khi vào một quán cà phê hay rạp chiếu phim, chỉ cần chạm nhẹ chiếc điện thoại vào máy POS, anh có thể thanh toán. “Khi dùng Samsung Pay, tôi không lo bị đánh cắp thông tin thẻ tín dụng bởi nó có đến 3 tầng bảo mật, có thể nhận diện bằng vân tay hoặc mống mắt. Cảm giác rất thú vị”, Phong nói.

Không chỉ ở siêu thị, rạp chiếu phim, việc dùng điện thoại thanh toán cũng dần trở nên quen thuộc ở các cửa hàng tiện lợi, địa điểm vui chơi, giải trí. "Chỉ trong vòng vài năm tới, chiếc điện thoại thông minh sẽ là công cụ hỗ trợ tích cực người dùng Việt Nam tiếp cận các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt", Phó Tổng giám đốc Samsung Vina nhận định.

Bình luận
Ý kiến của bạn