Nạn quấy rối tình dục nơi công cộng ở Nhật Bản

Tamaka Ogawa mới 10 tuổi khi bị quấy rối lần đầu tiên. Cô bé đang ở trên tàu điện ngầm thì bị một kẻ đứng sau kéo quần lót xuống và sờ mó.

Ogawa đẩy gã ra, khi về đến nhà, cô bé liên tục rửa chỗ bị sờ mó. Vài năm sau, vào ngày đầu tiên lên trung học, Ogawa lại bị quấy rối trên đường về nhà. Tình trạng này lặp đi lặp lại suốt thời trung học, Ogawa chỉ bỏ chạy mà không biết phải làm gì, theo Aljazeera.

"Tôi nhớ lại thời nhỏ, không hiểu nổi tại sao người lớn lại phấn khích khi sờ soạng tôi", Ogawa nhớ lại. Khi đó, cô bé nghĩ không thể kể với người lớn vì sợ bị chú ý. Hơn thế nữa, bố mẹ chưa từng trò chuyện với Ogawa về nguy cơ và cách xử lý khi gặp tình huống này.

Ogawa nhớ rõ có một hôm, khi ấy cô mới 15 tuổi và đang đi tàu điện tới trường. Một gã bắt đầu sờ mó và thọc tay vào trong quần lót, khiến cô đau. Tàu dừng lại, Ogawa vội xuống nhưng gã nọ nắm lấy tay ra lệnh "Đi theo tao". Cô bé bỏ chạy. 

Khi nghĩ lại, Ogawa cho rằng mọi người trên tàu đều nhìn thấy nhưng không ai giúp đỡ. Cô cảm thấy cực kỳ nhục nhã.

"Hình như gã cho rằng tôi rất thích khi gã làm vậy", Ogawa, nay đã 36 tuổi, nhớ lại. "Thời trung học, nữ sinh nào cũng bị quấy rối. Tôi cho là chúng tôi đều bất khả kháng".

Ogawa hiện là nhà văn và nhà đồng sáng lập Press Labo, một công ty sản xuất nội dung số ở Shimokitazawa, Tokyo, thường xuất bản những thông tin về sự bất bình đẳng giới và bạo lực tình dục ở Nhật Bản.

Năm 2015, Ogawa bắt đầu viết về nạn quấy rối tình dục nữ sinh trên phương tiện công cộng đã tồn tại dai dẳng ở Nhật Bản. Nhiều nạn nhân giữ im lặng, không dám trình báo hiện tượng được coi là xảy ra như cơm bữa trong xã hội Nhật Bản. Tuy nhiên, trong hai năm qua, điều này đang dần thay đổi, khi ngày càng nhiều người lên tiếng phản đối.

Ngăn chặn

Yayoi Matsunaga là một trong số đó. Một buổi sáng cuối tháng một, người phụ nữ 51 tuổi tới một quán cà phê trong khu phố nhộn nhịp ở quận Shibuya, tay xách một va li huy hiệu, in hình một nữ sinh cúi người nhìn qua hai chân về phía sau, hay một cô gái quay đầu lại lườm cảnh báo kèm dòng chữ "sờ mó là phạm tội" hoặc "chớ làm thế". Mỗi huy hiệu đi kèm một tờ rơi hướng dẫn cách cài huy hiệu lên túi xách và cách phòng tránh xâm hại tình dục.

Bà Matsunaga thành lập Trung tâm Phòng ngừa Quấy rối có trụ sở tại Osaka năm 2015, sau khi con gái thường xuyên bị sàm sỡ trên đường ngồi tàu đi học.

Cô bé Takako Tonooka đã tâm sự với mẹ và cả hai mẹ con đã cố nghĩ nhiều cách ngăn chặn nạn sàm sỡ. Họ mua thú nhồi bông biết nói "Chớ làm thế", trình báo với cảnh sát và giới chức ngành đường sắt, những người hứa sẽ ra tay nếu cô bé tiếp tục bị quấy rối. 

Bà Matsunaga cho biết trên tàu hỏa, họ đã dán áp phích động viên nạn nhân hãy dũng cảm và dám lên tiếng khi bị quấy rối. Tonooka bắt đầu học cách nói "Thôi đi" và "Không được". Cô bé học cách đối mặt với kẻ sàm sỡ, trong khi những người bên cạnh chỉ bàng quan đứng nhìn mà không hề giúp đỡ. Cuối cùng, cô bé và mẹ đã nghĩ ra cách đeo huy hiệu trên cặp xách đề chữ "Sờ mó là tội ác. Tôi sẽ không bao giờ nhẫn nhục nữa", kèm ảnh cảnh sát bắt tội phạm. Cách này tỏ ra hiệu quả.

Tuy nhiên, bà Matsunaga cho biết, việc đeo huy hiệu khiến con gái bị các bạn nam trêu chọc. Vì thế, bà quyết định cô bé không nên đấu tranh một mình. Bà nghĩ cách lôi kéo sự chú ý của số đông.

"Nữ sinh trung học thích những thứ dễ thương, vì thế huy hiệu phải đẹp, in hình khả ái để thu hút các cô bé", bà nói.

Huy hiệu phản đối nạn quấy rối trên phương tiện công cộng.

Tháng 11/2015, bà phát động chiến dịch kêu gọi, thu hút 334 nhà tài trợ với số tiền 19.000 USD để tổ chức một cuộc thi thiết kế huy hiệu. Học sinh trung học, sinh viên các trường nghệ thuật, các nhà thiết kế tự do, đã gửi 441 mẫu cho bà Matsunaga và bà chọn ra 5 mẫu, in hàng trăm chiếc đem tặng và bán tại các cửa hàng bách hóa gần nhà ga. 

Bà Matsugana muốn những kẻ sàm sỡ từ bỏ ý định trước khi ra tay khi nhìn thấy huy hiệu. Đồng thời, bà tin rằng bằng cách lôi kéo học sinh đeo huy hiệu, bà sẽ khuyến khích họ trình báo khi bị quấy rối.

Cách làm của bà Matsunaga đã phát huy hiệu quả. Số liệu thu thập từ 70 học sinh ở quận Saitama, phía bắc Tokyo từ tháng 4 đến tháng 12/2015 cho thấy 61% không bị sàm sỡ nữa kể từ khi đeo huy hiệu, còn 4,3 % cho biết vẫn bị quấy rối.

Cảnh sát ngành đường sắt cũng bắt đầu tổ chức các buổi thuyết trình nâng cao nhận thức cho học sinh ở trường trung học, khiến các em mạnh dạn thảo luận vấn đề này hơn, bà Matsunga cho biết.

Còn theo Ogawa, huy hiệu là một phát kiến quan trọng bởi chúng không dán nhãn nạn nhân hay thủ phạm mà chỉ nhắc nhở xã hội cần lên tiếng.

"Phải can đảm mới dám đeo những huy hiệu này", cô nói. "Chúng nhìn rất dễ thương, nhưng lại truyền đi thông điệp mạnh mẽ".

Thế nào là sờ soạng

Các chuyên gia nói rằng xã hội Nhật Bản vẫn cố ý lờ đi hoặc không để ý tới việc trẻ gái bị quấy rối phổ biến và thường xuyên như thế nào.

Hiroko Goto, người bảo vệ nữ quyền, giáo sư khoa luật tội phạm ở đại học Chiba, phó giám đốc tổ chức phi chính phủ Quan sát Nhân quyền ở Nhật, nói rằng nhiều người không coi việc sờ soạng là một hình thức tội phạm.

"Phần lớn xã hội không cho rằng nó là vấn đề lớn. Ở đây tồn tại một tiêu chuẩn kép giữa quan điểm của nạn nhân và quan điểm của xã hội", giáo sư Goto nhận xét.

Nữ sinh mặc váy chờ lên tàu là hình ảnh thường thấy ở Nhật Bản.

Theo ý kiến của Ogawa, xã hội Nhật Bản chỉ coi việc sờ soạng là bình thường, không hề có con số nạn nhân chính xác và chỉ có một số ít người trình báo.

Một vấn đề quan trọng khác là khi bàn về "sờ soạng", người ta có nhiều cách nhìn khác nhau về thuật ngữ này. Phần lớn cho rằng đó là việc đụng chạm ngoài quần áo, một số khác lại coi đây là một loại phạm tội nhẹ và có thể trừng phạt theo luật Chống làm phiền với hình thức phạt tù tối đa 6 tháng hoặc phạt tiền 4.500 USD.

"Tôi đã nghe nhiều cháu kể lại bị đàn ông lấy tay thọc cả vào âm đạo", bà Matsunaga nói. "Đó chính là hành vi cưỡng hiếp".

Cảnh sát thường tự quyết định nếu các vụ sờ mó có tình tiết nghiêm trọng như thâm nhập vào bộ phận sinh dục thì có thể xếp hồ sơ theo Điều 176 luật Hình sự với án tù tối đa 10 năm. Tuy nhiên, trong số những vụ trình báo, rất ít vụ được xếp loại theo khoản này. Điều 177 luật Hình sự Nhật Bản quy định về tội hãm hiếp nhưng định nghĩa pháp lý của nó rất hẹp, chỉ coi hãm hiếp là hành vi cưỡng ép quan hệ tình dục có giao hợp.

Theo Ogawa, xã hội Nhật Bản thường coi sờ soạng là một "loại phiền toái". Ngay bản thân cô, khi bắt đầu viết bài về loại tội phạm này, Ogawa mới nhận ra những gì mình từng trải nghiệm là một hình thức xâm hại tình dục.

"Điều làm tôi sốc nhất là khi đó, tôi không hề biết rằng mình vừa bị xâm hại tình dục", Ogawa nói. 

"Xã hội Nhật Bản tập trung vào việc bảo phụ nữ nên cẩn trọng, nên ăn mặc thế nào, nên đi lại trong phương tiện dành riêng cho phụ nữ - chủ yếu hoạt động vào những giờ cao điểm buổi sáng trong tuần", Ogawa nhận xét. "Họ nói phụ nữ nên tự bảo vệ mình, nên chú ý, nhưng không ai bảo rằng đàn ông không được phép làm thế".

Theo ý kiến của cô, ngay cả những tấm áp phích của cảnh sát đường sắt cũng quá tập trung vào hình thức mà không đi vào trọng điểm.

"Họ không nói về kẻ phạm tội. Tôi ước có những tấm áp phích đề rằng 'Nếu muốn sờ mó, hãy đi khám bệnh đi'", Ogawa nói. Cô hy vọng trên tàu điện sẽ lắp nhiều máy quay an ninh hơn và tin rằng Nhật Bản sẽ làm được việc này trước Thế vận hội 2020.

Ngoài ra, theo Ogawa, nạn nhân cần phải lên tiếng để nâng cao nhận thức của xã hội với những chuyện đang xảy ra trên các phương tiện giao thông công cộng.

"Tôi cho rằng nếu phụ nữ không lên tiếng về những chuyện đã xảy ra, thì việc này sẽ luôn vô hình", cô nói.

Buộc tội sai

Ogawa dẫn chứng một vụ án nổi tiếng về Koji Yatabe, người bị tòa án cấp quận tuyên bố có tội vì đã ép buộc một thiếu nữ sờ mó bộ phận sinh dục của ông này năm 2000. Yatabe kháng cáo và tòa cấp cao hơn đã bác bỏ kết luận của tòa trước. Yatabe sau này cùng vợ viết một cuốn sách về vụ án của mình và được dựng thành phim "Tôi không làm việc đó".

Ogawa cho rằng các phương tiện truyền thông đã quá chú ý đến câu chuyện của Yatabe về việc ông này bị oan, khiến nạn nhân e sợ trình báo nếu mình buộc tội sai và tồi tệ hơn là làm nản lòng những nạn nhân muốn lên tiếng.

Đó là lý do Aiko Tabusa, 38 tuổi, một họa sĩ truyện manga bắt đầu sáng tác chủ đề quấy rối tình dục từ năm 2011. Cô đang vẽ truyện về nạn sờ mó trên tàu điện, ý tưởng mà 6 năm trước, cô từng trình bày và thuyết phục ba nhà xuất bản nhưng đều bị từ chối. 

"Ai sẽ đọc truyện này? Độc giả không có nhu cầu", Tabusa nhớ lại. "Đối với tôi, việc bị sờ soạng khi đó là chuyện cơm bữa".

Truyện tranh Nhật Bản thường vẽ nữ sinh có thân hình khêu gợi

Theo Emiko Ochiai, nhà xã hội học kiêm sử học tại đại học Kyoto, thời cổ đại Nhật Bản từng có nữ vương nhưng trở nên hiếm hoi vào giai đoạn sau. Nho giáo đã làm ảnh hưởng tới địa vị của phụ nữ ở Nhật Bản. Tư tưởng này càng được truyền bá rộng rãi nhờ phim truyền hình và truyện dân gian.

Tuy nhiên, kể từ sau phong trào phụ nữ thập niên 70 tới gần đây, khi Thủ tướng Shinzo Abe đưa việc khuyến khích phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động trong kế hoạch tăng trưởng kinh tế, thì đàn ông cảm thấy quyền lực của mình bị thách thức.

"Thực hiện hành vi sờ mó là lý do để đàn ông chứng tỏ quyền lực với phụ nữ và với những cô gái trẻ", Goto nhận xét. Bà cho rằng kẻ phạm tội thường nhằm mục tiêu vào những nữ sinh yếu đuối. Bà lo lắng thủ phạm đang có xu hướng nhắm vào những bé gái ở độ tuổi nhỏ hơn.

Ogawa cho biết nhiều người có chung suy nghĩ rằng kẻ nhắm mục tiêu vào nữ sinh là kẻ mắc bệnh ấu dâm.

"Tôi cũng cho là thế", cô nói. "Trẻ gái trở thành mục tiêu vì còn non nớt, chưa từng bị người khác đụng vào".

Giáo sư môn xã hội học và nghiên cứu giới tính Kazue Muta ở đại học Osakia cũng đồng tình với Ogawa. Muta cho rằng nam giới thường bị kích động bởi nữ sinh vì họ "đại diện cho sự ngây thơ, trong trắng, ngoan ngoãn và biết vâng lời người lớn", do đó, kẻ phạm tội "sẽ cảm thấy hài lòng vì thỏa mãn hư vinh khống chế được nạn nhân".

Gia trưởng

Nhiều phụ nữ Nhật Bản cho biết họ bắt đầu không bị quấy rối kể từ khi tốt nghiệp cấp ba và không phải mặc đồng phục nữa.

"Kể từ khi thoát khỏi bộ đồng phục, tôi không bao giờ bị sờ mó nữa", Kotomi Araki, sinh viên trường kinh tế, đang làm bồi bàn, nhớ lại khoảng thời gian bị quấy rối trên những chuyến tàu đông đúc chật chội suốt thời gian cấp ba.

Araki và nhiều cô gái khác cho rằng nữ sinh Nhật Bản bị ảnh hưởng bởi "Lolita", nguyên mẫu trong tác phẩm của nhà văn Mỹ gốc Nga Vladimir Nabokov. Tuy nhiên, ở Nhật Bản, "Lolita" được coi là thiếu nữ "biết vâng lời, phục tùng", mẫu nhân vật cực kỳ phổ biến trong truyện tranh manga.

"Xã hội Nhật Bản có tính gia trưởng rất cao", Goto nói, giải thích điều này có nguồn gốc từ tư tưởng Nho giáo ở Trung Quốc và phổ biến ở Nhật sau khi chế độ Minh Trị kết thúc năm 1912. "Xã hội Nhật Bản tồn tại niềm tin mãnh liệt rằng đàn ông có địa vị cao hơn đàn bà".

 

Nữ sinh

Sự ám ảnh về tình dục với nữ sinh mở rộng tới những quán bar trong các khu đèn đỏ tới những quán cà phê JK (JK là viết tắt của Joshi Kosei - nữ sinh trung học), nơi đàn ông trưởng thành trả tiền để ngồi tâm sự với những thiếu nữ trẻ trung.

Sự ám ảnh này còn thể hiện trong những ấn phẩm truyện tranh khiêu dâm về nữ sinh được xuất bản công khai. Việc xuất bản mới bị cấm năm 2014 khi Nhật Bản hình sự hóa việc sở hữu ấn phẩm khiêu dâm có nội dung liên quan tới trẻ em.

Bước khỏi ga Ikebukuro, khu đèn đỏ nổi tiếng Tokyo, là hàng loạt quán cà phê JK. Ngoài quán dán hình trang trí một chiếc bánh kẹp dễ thương màu hồng, với trái tim bay xung quanh. Ở đây còn có những quán bar dành riêng cho nam giới, những người chịu chi 200 USD một giờ để được phép sờ mó nhân viên nữ trong quán.

Nạn quấy rối tình dục nữ sinh nơi công cộng ở Nhật Bản
 
 

Mặt tối sau ngành công nghiệp thuê nữ sinh làm thêm ở Nhật Bản

Một người đàn ông 38 tuổi giấu tên cho biết thường tới những quán như thế ở Ikebukuro. Anh ta phải trả 133 USD phí vào cửa cho một quán trang trí giống như toa tàu điện ngầm. Khách hàng có thể chọn loại hình phụ nữ mình muốn sờ soạng, từ nữ sinh mặc đồng phục cho tới nữ nhân viên văn phòng. Anh này cho rằng nhân viên ở đó đều trên 18 tuổi.
"Đàn ông Nhật bị những cô gái dễ thương, trong trắng và trẻ trung hấp dẫn", anh ta giải thích, nói thêm "chỉ tới đó cho vui" và cho rằng những quán bar như thế "giúp ngăn ngừa đàn ông khỏi sờ mó nơi công cộng".

 

Một nữ sinh làm thêm trong quán cà phê JK ở Tokyo.

Một người khác lấy tên là Akira Wada cho biết thường tới những quán bar này để thỏa trí tò mò và chưa từng sờ mó ai nơi công cộng. Quán bar đầu tiên Wada đến trang trí như một trường trung học. Người đàn ông 35 tuổi này nói mặc dù đã hết tuổi mặc đồng phục nhưng vẫn thích ngắm nhìn nữ sinh trong bộ đồng phục. Thỉnh thoảng, cánh đàn ông trong công ty lại rủ nhau tới những quán thế này tiệc tùng.

Tuy nhiên, anh ta rất sợ bị người khác buộc tội sờ mó nơi công cộng và luôn cẩn thận khi tìm chỗ ngồi trên tàu điện. Thậm chí nếu túi xách chẳng may rơi trúng một cô gái nào đó, Wada cũng lo ngại bị mắng là kẻ quấy rối.

"Trên chuyến tàu đông đúc chật chội, khó phân biệt nạn nhân hay thủ phạm", anh ta nói. 

Về phần mình, bà Matsunaga bày tỏ lo ngại những quán bar này sẽ càng làm cho người ta hiểu sai rằng có thể chấp nhận hành vi sờ mó nơi công cộng. Còn theo Ogawa, cô nghĩ rằng người ta đang trộn lẫn khái niệm tình dục và sờ mó với nhau.

Thực tế

Tabusa, họa sĩ truyện manga, cho rằng mặc dù vấn đề quấy rối đang được chú ý và bàn luận nhiều hơn nhưng chưa đủ.

"Cần phải nhìn nhận đây là chuyện nghiêm trọng, phải khiến nhiều người hơn nữa nhận thức được vấn đề bởi 'nạn nhân bị sờ mó thường là trẻ em'", cô nói, nhấn mạnh phụ nữ cần công khai lên tiếng vì "người ta cứ nghĩ đây là chuyện cơm bữa rồi cười cho qua".

"Tôi cho rằng người ta vẫn còn suy nghĩ là, nếu một phụ nữ luống tuổi rồi mà vẫn còn có đàn ông ngắm nhìn và sờ mó, thì cần phải trân trọng điều đó vì có nghĩa là mình vẫn còn hấp dẫn", Tabusa nói.

Tờ rơi tuyên truyền chống quấy rối trên phương tiện công cộng ở Nhật.

Cả Ogawa và Tabusa đều tin rằng chỉ khi ngày càng nhiều nạn nhân lên tiếng, xã hội mới thay đổi nhận thức về sờ mó và quấy rối tình dục.

"Đầu tiên là phụ nữ phải công khai lên tiếng về chuyện mình bị quấy rối", Ogawa nói. "Họ thường không dám nói vì xấu hổ. Đôi khi, một số người dám nói lại bị người khác đánh giá họ đang khoe khoang kiểu 'Ồ, tôi đã từng bị quấy rối đấy'".

"Họ bảo tôi rằng đó là lỗi của mình", cô nhớ lại. "Họ hoặc là sợ bị soi mói là đang lợi dụng lòng thương của người khác để gây chú ý; hoặc đơn giản chỉ nhún vai rồi nói: 'Ai chả bị thế này'".

Hồng Hạnh

Bình luận
Ý kiến của bạn