Từ thú chơi thượng lưu đến kênh đầu tư hấp dẫn

Khi việc sở hữu những chiếc đồng hồ mang phong cách cổ điển với giá vài trăm nghìn cho tới vài triệu đôla là thú chơi xa xỉ của giới thượng lưu, nhiều nhà đầu tư cũng coi đây là một kênh kiếm tiền đầy hứa hẹn.

Giá trị của những chiếc đồng hồ đeo tay cổ từ những thương hiệu nổi tiếng đã tăng liên tục qua các năm, và những nhà sưu tầm cũng ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục sau mỗi vụ sang tay.

Mới đấy nhất, chiếc đồng hồ từng thuộc sở hữu của vua Bảo Đại đã trở thành chiếc Rolex đắt nhất thế giới từng được đấu giá với mức chuyển nhượng lên tới hơn 5 triệu USD. Con số tăng 20 lần so với số tiền người mua từng phải trả để sở hữu chính chiếc đồng hồ này cách đây 15 năm.

Hồi năm 2014, nhà đấu giá Christie từng bán một chiếc Rolex Oyster Perpetual được sản xuất năm 1949 với giá 1,24 triệu USD. Đây là chiếc đồng hồ từng được mua với giá 83.000 USD trước đó 9 năm.

Còn năm 2010, một nhà sưu tầm đã bán chiếc Patek Philippe vàng trắng đính kim cương 18 carat với giá gần 3,5 triệu USD. Chiếc đồng hồ này vào năm 1995 được giao dịch với giá 430.000 USD.

Đồng hồ vua Bảo Đại - chiếc Rolex đắt nhất thế giới
 
 

Đồng hồ vua Bảo Đại - chiếc Rolex đắt nhất thế giới

Lai lịch và độc đáo: Điểm chung của những chiếc đồng hồ triệu đô

Sưu tầm đồng hồ cổ, đặc biệt là những thương hiệu được định danh xa xỉ như Rolex hay Patek Philippe chắc chắn không phải là sở thích phổ thông, khi mà mức giá dành cho những sản phẩm này thường đạt từ 6 con số theo đơn vị USD.

Chiếc Rolex với tên gọi "Bao Dai" là một ví dụ. Cuộc đấu giá diễn ra trong 8 phút, với 13 người tham gia vào cuối tuần trước tại Thụy Sĩ đã xác lập kỷ lục mới cho chiếc Rolex đắt nhất thế giới, với mức giá 5,06 triệu USD.

Về mức độ quý hiếm, trên thế giới chỉ có 3 chiếc cùng loại Rolex Reference 6062 như sản phẩm này. Nó có mặt số đen và là chiếc duy nhất đính kim cương ở các điểm chỉ giờ chẵn. Lai lịch đặc biệt của chiếc Rolex này cũng khiến giới chuyên gia phải ngưỡng mộ khi từng thuộc về vị hoàng đế cuối cùng của Việt Nam.

Vua Bảo Đại tại Cannes năm 1955
 
 

Vua Bảo Đại tại Cannes năm 1955

Mặc dù vậy, nếu những nhà sưu tầm đồng hồ tiếc nuối khi không có được chiếc Rolex Reference 6062 với tên gọi "Bao Dai", họ vẫn còn 6 sự lựa chọn khác cũng được đơn vị đấu giá đồng hồ danh tiếng Phillips và Bacs & Russo đưa ra trong lần tổ chức mới đây. Tuy nhiên, để sở hữu một sản phẩm, mức giá phải trả cũng lên đến vài triệu USD.

Thiết kế mặt số kiểu Paul Newman Daytona (ở trên) so với các mẫu thông thường.

Đứng sau chiếc Rolex Reference 6062 trong phiên đấu giá cuối tuần trước là chiếc Rolex Reference 6263 với tên gọi "The Gold Oyster Paul Newman Chronograph" làm bằng vàng theo dạng đồng hồ quả quít cũng được định giá trước giao dịch từ 0,8 đến 1,6 triệu USD. Hay như chiếc Rolex Reference 6062 Stainless Steel sản xuất năm 1953 cũng được giới chuyên gia đánh giá sẽ đạt từ 0,6 đến 1,2 triệu USD.

Mức giá triệu USD cho một thiết bị xem giờ có lẽ khó tưởng tượng với nhiều người bình thường, nhưng đối với giới sưu tầm, giá trị của một chiếc đồng hồ cổ không chỉ có giới hạn ở mặt vật chất. Những câu chuyện, giai đoạn đi cùng sản phẩm, tài sản ấy từng thuộc về ai hay chỉ đơn giản là đó là chiếc đồng hồ duy nhất với đặc điểm được nhận dạng...

Như chiếc Rolex Reference 6263 được kỳ vọng có giá 1,6 triệu USD là một trong ba chiếc Rolex bằng chất liệu Yellow Gold được thiết kế theo phong cách Paul Newman Daytona - một dạng font chữ số và cách biểu thị khác biệt so với những chiếc Rolex khác.

Patek Philippe Reference 3448.

Hay như chiếc Patek Philippe Reference 3448 với giá trị 2,34 triệu USD. Chiếc đồng hồ được ra mắt năm 1962, chạy theo cơ chế đồng hồ vĩnh cửu đầu tiên của Patek Philippe. Tuy vậy điểm làm nên giá trị của nó lại đến từ chất liệu.

Hầu hết các phiên bản của dòng Reference 3448 này được làm bằng vàng 18k, một số bằng vàng thông thường hay bạch kim. Tuy nhiên, chiếc Patek Philippe được trả giá lên tới hơn 2 triệu USD này được làm bằng vàng hồng - một sản phẩm hiếm hoi mà hầu như không có nhà sưu tầm nào biết đến cho đến khi nó được mang ra bán đấu giá.

Chiếc The Henry Graves Jr. Supercomplication.

Tuy vậy, giá trị vài triệu USD vẫn chưa phải là điểm dừng cho những chiếc đồng hồ cổ. Tháng 11/2014, nhà đấu giá Sotheby đã xác lập kỷ lục về chiếc đồng hồ đắt giá nhất thế giới khi bán đấu giá thành công chiếc The Henry Graves Jr. Supercomplication - một sản phẩm của Patek Philippe với giá 23,98 triệu USD. 

Điều làm nên sự đặc biệt của chiếc đồng hồ xuất xưởng năm 1933 này là sự phức tạp của các chi tiết có trong sản phẩm nặng 1 pound (tương đương 450g) này - 900 bộ phận riêng biệt, 24 chức năng khác nhau, bao gồm cả lịch vạn niên, bầu trời đêm của thành phố New York, lịch mặt trăng, dự trữ năng lượng, chỉ báo hướng mặt trời mọc và mặt trời lặn...

Chiếc Patek Philippe Supercomplication cũng đã giữ danh hiệu chiếc đồng hồ phức tạp nhất thế giới trong hơn 6 thập kỷ, cho tới khi một sản phẩm khác cùng hãng ra đời năm 1989.

Kênh đầu tư đáng kinh ngạc

Tại một phiên đấu giá năm 2015, Thomas Perazzi - người đứng đầu văn phòng Christie Watch tại Geneva (Thụy Sĩ) cho biết: "Thị hiếu của khách hàng đã thay đổi và họ hướng sự chú ý vào những sản phẩm cổ điển. Phân khúc này đang nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà sưu tập Trung Quốc và khách hàng Trung Đông". 

Giá trị những chiếc đồng hồ cổ sau những lần trao tay cũng tăng gấp nhiều lần ban đầu. Dù từng được bán với giá từ vài chục nghìn cho tới vài trăm nghìn USD, song 7 sản phẩm được nhà đấu giá đồng hồ danh tiếng Phillips và Bacs & Russo đưa ra mới đây có giá trị sau giao dịch lên tới vài triệu USD.

Tháng 11/2013, chiếc Patek Philippe Reference 1563 Split-Second Chronograph bằng vàng 18k đã được bán bởi nhà đấu giá Christie với con số 1,57 triệu USD. Chiếc đồng hồ được sản xuất năm 1947 trước đó từng được giao dịch với mức chỉ bằng một phần rất nhỏ so với giá trị vừa xác lập.

10 thương hiệu đồng hồ xa xỉ nhất thế giới
 
 

10 thương hiệu đồng hồ xa xỉ nhất thế giới.

Chỉ số đầu tư các sản phẩm xa xỉ (Luxury Investment Index) được Knight Frank công bố năm 2014 cũng cho thấy, các sản phẩm đồng hồ cổ được kỳ vọng tăng giá 68% trong 10 năm, chỉ đứng sau xe cổ.

Tuy nhiên Perazzi cũng cho rằng, việc đầu tư vào đồng hồ cũng không phải điều dễ dàng. "Dĩ nhiên lịch sử đã từng ghi nhận nhiều chiếc đồng hồ có giá trị tăng lên đáng kể sau những phiên đấu giá, nhưng để làm được như vậy đòi hỏi sự chuyên môn và tinh tế", ông nói.

Theo đánh giá của Jack Forster, quản lý tại Hodinkee, khi sự quan tâm tới những chiếc đồng hồ cổ tăng lên, việc tìm kiếm một món hời sẽ trở nên khó khăn hơn. "Hai mươi năm trước, bạn có thể tìm thấy một chiếc đồng hồ đáng kinh ngạc tại chợ trời với giá hời. Nhưng nay, bạn chỉ cần dành nửa giờ để nghiên cứu các trang đấu giá và eBay để biết liệu mức giá bạn trả có phải quá cao".

Những thương hiệu có tiếng, những bối cảnh lịch sử đặc biệt là những khía cạnh mà một nhà đầu tư cần quan tâm trước mỗi quyết định mua-bán. "Đối với tôi, Patek Philippe và Rolex là hai thương hiệu đáng để đầu tư, nó cũng giống như việc bạn mua cổ phiếu của Apple hoặc Microsoft vậy", Steven Kivel - một chuyên gia của Central Watch, New York cho biết.

Tuy vậy, những chuyên gia trong ngành này cũng nhìn nhận việc định giá những chiếc Rolex, Patek Philippe hay Cartier cổ có giá trị lịch sử đã không còn nằm trong khuôn khổ định giá thông thường.

Những sản phẩm này phụ thuộc vào cách nhìn nhận của mỗi khách hàng và giá trị mang lại không chỉ mang ý nghĩa về mặt vật chất. Dù mức giá lên tới vài triệu đôla, nhưng không có gì chắc chắn rằng đó đã là mức cao nhất, các kỷ lục hoàn toàn có thể phá vỡ.

"Mặc dù mức lợi nhuận đầu tư đạt tới 1.500% mà Christie đạt được với chiếc Rolex 1949 là thực sự kinh ngạc, nhưng đó chắc chắn không phải là tiêu chuẩn, đặc biệt với những sản phẩm mang giá trị lịch sử hiếm có", Jack Forster nhận xét. 

Minh Sơn

Video: Anh Tú

Bình luận
Ý kiến của bạn