Hành trình khám phá Triều Tiên của phóng viên Mỹ

Phóng viên Will Ripley từ CNN hồi giữa tháng hai có chuyến công tác thứ 10 đến Triều Tiên, anh lần đầu tiên được tiếp cận với cuộc sống những người dân bình thường nơi đây.

Nhật ký từ Triều Tiên
 
 

Phóng viên CNN Will Ripley đã hỏi những người dân ở Bình Nhưỡng về quan điểm trước việc Triều Tiên bị chia cắt với thế giới bên ngoài, những khó khăn kinh tế mà quốc gia này đang đối mặt hay suy nghĩ về tân Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Các câu trả lời thường giống nhau bởi truyền thông do nhà nước kiểm soát là nguồn thông tin duy nhất họ có. Dù vậy, ít nhiều qua đó, cuộc sống vốn luôn nằm trong vòng bí mật ở Triều Tiên dần hé lộ.

Cột mốc

Đường phố Triều Tiên. Ảnh: Earth Nutshell

Chuyến đi tràn ngập những cột mốc chưa bao giờ có, Riley nhấn mạnh. Lần đầu tiên anh có thể phát video trực tiếp trên Facebook và trả lời câu hỏi từ người xem ngay lập tức từ chính thủ đô Bình Nhưỡng, Triều Tiên.

Đoàn phóng viên CNN cũng được phép sử dụng camera thực tế ảo để ghi hình các địa điểm khác nhau, ví dụ Quảng trường Kim Nhật Thành, triển lãm hoa Kimjongilia, một trường trung học cho trẻ mồ côi cùng một bệnh viện mắt mới mở.

Một góc phố Triều Tiên. Ảnh: Earth Nutshell

Riley còn được tự do chia sẻ video, hình ảnh về Triều Tiên lên các trang mạng xã hội, chẳng hạn Instagram, Twitter hay Facebook. Đây "thực sự giống như kỳ tích" nếu đối chiếu với những quy định khắt khe mà Triều Tiên đặt ra từ trước tới nay, anh nhận xét.

Nhưng theo Riley, cuộc trò chuyện giữa anh với giáo sư kinh tế Triều Tiên Ri Gi-song mới là điểm nhấn đáng chú ý nhất hành trình.

"Chúng tôi cùng thảo luận về mối quan hệ thương mại Trung Quốc - Triều Tiên, mạng lưới chợ đen cung cấp những vật phẩm mà thị trường chính thống không có, thậm chí về cả những công việc được trả lương cao nhất ở Triều Tiên: thợ mỏ và thợ lao động thủ công", Riley nói.

Giáo sư Ri cho biết những công việc lao động chân tay thường hưởng mức lương cao gấp đôi công việc văn phòng. Nhưng ông không thể cung cấp con số thực tế.

Đài tưởng niệm Mansu. Ảnh: Earth Nutshell

Suy nghĩ của người dân Triều Tiên về Mỹ
 
 

Suy nghĩ của người dân Triều Tiên về Mỹ.

Hàng hiệu ở Bình Nhưỡng

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới thăm một trung tâm thương mại. Ảnh: KCNA

Theo lời Riley kể, đoàn tác nghiệp CNN đã vô cùng bất ngờ và thích thú khi tới thăm một trung tâm thương mại Triều Tiên bán quần áo, trang sức từ các hãng nổi tiếng thế giới như Hermes, Versace hay Gucci. Họ cũng đến một quán cà phê bán mỗi cốc mocha với giá 8 USD.

Trung tâm thương mại còn có khu bán đồ điện tử cao cấp cùng các thiết bị gia dụng khác. Nằm trên tầng cao nhất là khu ẩm thực với đủ loại đồ ăn, thức uống, từ món Hàn truyền thống cho đến thức ăn nhanh mới du nhập từ phương Tây.

Các mặt hàng bày bán vô cùng đa dạng. Ảnh minh họa: KCNA

Riley chia sẻ anh ấn tượng hơn cả với hình ảnh hàng trăm người vui vẻ thưởng thức những đĩa thức ăn đầy ắp, trái ngược với những gì lâu nay truyền thông, báo chí vẫn miêu tả về một Triều Tiên "đói nghèo", "lạc hậu".

Tuy nhiên, đây không phải toàn cảnh của bức tranh Triều Tiên bởi các phóng viên chỉ được đi đến những nơi mà chính quyền cho phép.

Thời trang của người Triều Tiên
 
 

Phong cách thời trang của người dân Triều Tiên.

Trường học cho trẻ mồ côi

Riley còn có cơ hội tới thăm một trường trung học dành cho trẻ mồ côi ở Bình Nhưỡng. Cha mẹ các em, rất nhiều người thiệt mạng khi đang làm việc trong các nhà máy, mỏ than cũng như những cơ sở khác do chính phủ quản lý.

Điều kiện sống tại đây tương đối tốt. Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un được cho là đã tự thiết kế và giám sát chặt chẽ việc xây dựng công trình. Ngôi trường sở hữu một bể bơi, phòng máy tính và cả máy phát điện riêng.

Theo lời người hướng dẫn, ngôi trường có thể tiếp nhận trên 500 học sinh và thức ăn không bao giờ thiếu. Lũ trẻ coi ông Kim giống như cha. Chúng được nuôi dưỡng để phục vụ cho chính quyền trong tương lai.

Bên trong sân bay ở Bình Nhưỡng
 
 

Sân bay khang trang ở thủ đô Bình Nhưỡng, Triều Tiên.

Không Internet, không gọi quốc tế

Riley tới Bình Nhưỡng hai ngày sau khi lãnh đạo Triều Tiên tiến hành thử một loại tên lửa đạn đạo tầm trung mới.

Khi họ làm thủ tục nhận phòng tại khách sạn Yanggakdo, nằm tại một ốc đảo tách biệt giữa thủ đô, đoạn băng ghi hình cảnh phóng tên lửa được phát trên sóng truyền hình quốc gia.

Vụ việc gây chú ý bởi đây là lần đầu tiên Triều Tiên phóng thử tên lửa kể từ thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên thệ nhậm chức. Thế giới biết thông tin chỉ trong vòng vài tiếng, song người dân Triều Tiên phải chờ đến tân ngày hôm sau lúc kênh truyền hình quốc gia thông báo về vụ phóng mới hay tin.

Triều Tiên phóng 4 tên lửa đạn đạo
 
 

Tất cả những gì công chúng nghe và thấy đều được kiểm duyệt kỹ càng trước khi phát sóng.

Người dân bình thường không có mạng Internet. Họ cũng không thể thực hiện các cuộc gọi quốc tế. Truyền thông nhà nước là cửa sổ thông tin duy nhất kết nối họ với thế giới bên ngoài.

Từ khi còn nhỏ, những đứa trẻ Triều Tiên đã được dạy rằng chúng đang sống dưới mối đe dọa xâm lược thường trực từ Mỹ, vì thế chính quyền phải phân bổ nguồn lực hạn hẹp cho chương trình phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân.

Cuộc sống ở Triều Tiên
 
 

Vũ Hoàng

Bình luận
Ý kiến của bạn