59 quả tên lửa Mỹ đổ thêm dầu vào chảo lửa Syria

Syria suốt 6 năm qua chưa bao giờ thôi bất ổn, song việc Mỹ phóng 59 tên lửa hành trình Tomahawk vào một căn cứ không quân ở nước này được xem như "đổ thêm dầu vào lửa".

Rạng sáng 7/4, tại khu vực biển phía đông Địa Trung Hải, hai tàu khu trục Mỹ USS Ross và USS Porter bất ngờ phóng 59 tên lửa hành trình Tomahawk. Các tên lửa này nhắm tới một mục tiêu thuộc tỉnh Homs, miền trung Syria: căn cứ không quân Shayrat, nơi cả binh sĩ Syria và Nga đóng quân.

Chiến hạm Mỹ phóng tên lửa tấn công căn cứ ở Syria
 
 

Tàu chiến Mỹ khai hỏa tên lửa Tomahawk nhằm vào căn cứ không quân Syria

Cuộc không kíchdiễn ra gần 72 tiếng sau vụ tấn công hóa học tại thị trấn Khan Shaikhoun, tỉnh Idlib, Syria, khiến hơn 80 dân thường thiệt mạng. Nhà Trắng cáo buộc quân đội chính phủ Syria gây ra thảm họa và 59 tên lửa Tomahawk ngắm bắn căn cứ Shayrat là đòn trừng phạt mà Tổng thống Mỹ Donald Trump dành cho chính quyền Syria.

Cùng thời điểm đó, tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, thành phố Palm Beach, bang Florida, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Đệ nhất phu nhân Melania đang dùng bữa tối cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện. Họ vừa chuyển sang dùng tráng miệng với "món bánh chocolate ngon nhất từng thấy".

Chủ tịch Trung Quốc lúc bấy giờ có chuyến thăm Mỹ trong hai ngày và cũng là lần đầu tiên dưới thời chính quyền Trump. Chuyến công du diễn ra trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao Mỹ - Trung leo thang nhanh chóng khi Tổng thống Mỹ liên tục phát đi những thông điệp chống lại Bắc Kinh, cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ, "cưỡng bức" thương mại Mỹ.

Trước cuộc gặp, ông Trump từng nhận xét rằng mọi chuyện "sẽ rất khó khăn". Nhưng khi các cuộc gặp diễn ra, tất cả dường như đi theo một chiều hướng khác. Theo Tổng thống Mỹ, đôi bên đã "phát triển quan hệ bạn bè" và ông hy vọng hai nước sẽ có "mối quan hệ rất, rất tuyệt vời" trong dài hạn.

Trên bàn tiệc ở Mar-a-Lago, khi hai nhà lãnh đạo đang trò chuyện, Tổng thống Mỹ bỗng nhận được tin báo từ các tướng lĩnh. Thông tin truyền về rằng các tàu Mỹ ở Địa Trung Hải đã "khóa mục tiêu và sẵn sàng" phóng tên lửa, chỉ chờ mệnh lệnh từ Tổng thống. Ông Trump quyết định khai hỏa. 59 tên lửa lập tức rời bệ phóng, nhắm vào các mục tiêu thuộc căn cứ Shayrat.

Một hồi sau, Tổng thống Mỹ quay sang Chủ tịch Trung Quốc, "Thưa ngài Chủ tịch, tôi xin thông báo với ngài một tin trong lúc dùng tráng miệng. Chúng tôi vừa phóng 59 tên lửa, tất cả đều trúng mục tiêu, ngài biết đấy, điều này thật khó tin, khi cách xa hàng trăm dặm, tất cả đều trúng mục tiêu", ông Trump nói.

Chủ tịch Trung Quốc là lãnh đạo thế giới đầu tiên được biết về quyết định của Tổng thống Mỹ tấn công tên lửa căn cứ không quân Syria. Nghe tin xong, ông Tập im lặng trong 10 giây, rồi yêu cầu người phiên dịch nói lại lần nữa. Sau đó, ông cho biết mình thấy "ổn".

Uy lực tên lửa Tomahawk Mỹ tấn công căn cứ Syria.

Việc thông báo một tin tức quan trọng như vậy ngay trên bàn tiệc phần nào phản ánh tính cách được cho là bốc đồng đã trở thành "thương hiệu" nổi bật ở Tổng thống Mỹ. Nó cũng cho thấy dù tỏ ra nồng ấm hơn với lãnh đạo Trung Quốc, ông không hề sợ hãi hay kiêng nể.

Tuy nhiên, việc Washington phát động cuộc tấn công đúng lúc Chủ tịch Trung Quốc đang ở Mỹ chắc chắn không phải trùng hợp ngẫu nhiên. Ông Trump rõ ràng muốn truyền một thông điệp tới lãnh đạo Trung Quốc về vấn đề hạt nhân Triều Tiên, rằng Bắc Kinh cần làm nhiều hơn để ngăn chặn tham vọng của Bình Nhưỡng và nếu Trung Quốc không có động thái gì, Mỹ hoàn toàn có thể làm điều tương tự với Triều Tiên.

Hình ảnh căn cứ không quân Syria sau khi bị Mỹ không kích
 
 

Căn cứ không quân Syria sau khi bị Mỹ không kích.

Cuộc không kích chóng vánh, đầy bất ngờ của Mỹ, vấp phải những luồng ý kiến trái chiều. Các đồng minh ủng hộ song đối thủ lại chỉ trích kịch liệt.

Syria lên án cuộc không kích "liều lĩnh" và "vô trách nhiệm". Nga chỉ trích cuộc tấn công không khác gì "sự gây hấn nhằm vào một quốc gia có chủ quyền, vi phạm các chuẩn mực quốc tế, dựa trên cái cớ tự nghĩ ra", đồng thời điều chiến hạm tới gần tàu Mỹ phóng tên lửa.

Tuy nhiên, các nước đồng minh với Mỹ như Đức, Pháp, Anh lại cho rằng đây là "hành động phù hợp".

Thế giới chia rẽ

Trước cuộc tấn công căn cứ quân sự Syria, mối quan hệ giữa Moscow và Washington có chiều hướng "nồng ấm" dần lên, thể hiện qua việc hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ thường xuyên dành những lời lẽ tích cực cho nhau. Thế nhưng, 59 tên lửa hành trình Tomahawk Mỹ đã trở thành "luồng gió lạnh" dập tắt "ngọn lửa hồng mới nhen nhóm".

Ngay sau vụ phóng tên lửa, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã lên đường sang Nga theo một lịch trình lập từ trước đó và có cuộc gặp với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 12/4. Căng thẳng bao trùm suốt chuyến thăm.

Cú bắt tay lạnh giá giữa Ngoại trưởng Nga - Mỹ
 
 

Dù ông Tillerson  bày tỏ hy vọng Nga - Mỹ có thể tìm ra "những điểm chung, lợi ích chung dựa trên khác biệt", ông Lavrov có thái độ cứng rắn khi cảnh báo Mỹ không nên tấn công Syria trong tương lai và phàn nàn về quan điểm thiếu nhất quán của chính quyền Trump với Tổng thống Syria.

Ngay trong lúc Ngoại trưởng Mỹ đang ở Nga, người đứng đầu Điện Kremlin không ngần ngại tuyên bố ông hiện nắm thông tin về việc Mỹ chuẩn bị tiếp tục tấn công Syria bằng tên lửa, đồng thời cáo buộc Washington có kế hoạch làm giả vũ khí hoá học tại đây.

Ngoại trưởng Mỹ Tillerson, sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Nga cùng Tổng thống Nga Putin, phải thừa nhận mối quan hệ Nga - Mỹ "đang xuống thấp". Ở Washington, Trump thậm chí còn bi quan hơn khi nhận xét rằng quan hệ với Moscow "có lẽ đang ở mức thấp nhất từ trước tới nay".

Trump: Quan hệ với Moscow "có lẽ đang ở mức thấp nhất từ trước tới nay".

Phát động cuộc tấn công căn cứ Syria, Tổng thống Mỹ Trump cùng đội ngũ cố vấn hẳn nhiên hiểu rất rõ những rủi ro mà bản thân ông cũng như nước Mỹ sẽ phải đối mặt. Nhưng vì lý do gì, ông chủ Nhà Trắng vẫn quyết định khai hỏa?

Gấp gáp phóng tên lửa nhằm vào một căn cứ Syria, nơi có cả binh sĩ Nga đóng quân, Trump có lẽ muốn chứng minh bản thân là một nhà lãnh đạo "cứng rắn", đồng thời tạo điểm nhấn dấu ấn cá nhân khi mà mốc 100 ngày đầu nhiệm kỳ tổng thống của ông cận kề. Mặt khác, đây cũng là cách để ông chứng minh cho thế giới thấy mình không phải một lãnh đạo "thân Nga" như họ lầm tưởng.

Bên cạnh đó, hướng sự chú ý từ dư luận vào 59 quả tên lửa Tomahawk ngắm bắn căn cứ Syria, Trump còn có thể xóa mờ phần nào những "vệt xám" trong bức tranh điều hành đất nước, đặc biệt sau khi hàng loạt sắc lệnh do ông ban hành vấp phải sự chỉ trích, thậm chí bị tòa án chặn đứng và tỷ lệ ủng hộ ông không ngừng lao dốc, xuống mức thấp kỷ lục, chỉ còn 37% trong cuộc khảo sát do Gallup thực hiện hồi cuối tháng ba.

Quan trọng hơn cả, bằng một hành động cứng rắn mang tính bước ngoặt, ông Trump dường như muốn nhấn mạnh vị thế của Mỹ tại khu vực địa chiến lược Trung Đông và gửi thông điệp răn đe mạnh mẽ tới đích danh chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad cũng như "bất cứ quốc gia nào hành động ngoài thông lệ quốc tế". Một trong những mục tiêu nhắm tới trong "bất cứ quốc gia nào" là Triều Tiên, khi giới chức Mỹ tuyên bố thằng thừng đây là lời cảnh báo đến họ.

 Tuy nhiên, Moustafa Bayoumi, giáo sư tại Đại học Brooklyn, New York, cho rằng cách giải thích này là "vô nghĩa". Việc chiến đấu cơ Syria vẫn tiếp tục xuất kích từ sân bay vừa bị oanh tạc là minh chứng cho thấy Mỹ đã tung một đòn đánh vào hư vô, khi không thể răn đe được Syria bằng hành động sử dụng vũ lực.

Còn Triều Tiên, vẫn bằng giọng điệu khiêu khích quen thuộc, tuyên bố sẵn sàng cho chiến tranh nếu căng thẳng leo thang, đồng thời đe dọa đáp trả tàn nhẫn nếu Mỹ tấn công. Bình Nhưỡng tổ chức lễ duyệt binh được cho là lớn nhất trong lịch sử và phô diễn những loại tên lửa mới vào ngày 15/4, kỷ niệm 105 năm ngày sinh lãnh đạo lập quốc Kim Nhật Thành và thử tên lửa một ngày sau đó, dù tên lửa nổ tung ngay sau khi rời bệ phóng.

 

Triều Tiên duyệt binh kỷ niệm sinh nhật lãnh tụ
 
 

Triều Tiên duyệt binh kỷ niệm sinh nhật cố lãnh đạo Kim Nhật Thành.

Sau cuộc tấn công tên lửa Mỹ, bàn cờ chiến trận Syria có thể trở nên rối rắm hơn  khi ưu tiên của các bên tham chiến thay đổi.

Dù tức giận, Nga sẽ không trực tiếp trả đũa các lực lượng Mỹ. Thay vào đó, họ có lẽ chuyển cơn "thịnh nộ" sang những nhóm nổi dậy do Washington hậu thuẫn ở Syria. Chiến đấu cơ Nga có thể tăng cường không kích nhắm vào phần lãnh thổ ít ỏi còn lại do phe nổi dậy nắm giữ, tạo điều kiện để quân đội Syria chiếm lại các mục tiêu quan trọng. Bằng cách làm suy yếu lực lượng nổi dậy thân phương Tây, Nga sẽ đảm bảo Tổng thống Assad vẫn giữ được quyền lực và bảo vệ lợi ích của Moscow trong khu vực.

Lúc này, Mỹ cũng phải có những động thái đáp trả tương ứng. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ H.R. McMaster từng khẳng định Washington đã chuẩn bị cho các hành động quân sự can thiệp mạnh hơn nữa tại Syria nếu cần thiết.

Trước thời điểm gật đầu đồng ý phóng tên lửa vào căn cứ Syria, Trump tuyên bố không còn coi việc lật đổ chế độ Assad là ưu tiên hàng đầu. Thế nhưng, hành động của ông, mạnh hơn lời nói, lại cho thấy điều trái ngược.

Quyết định Tổng thống Mỹ đưa ra đang truyền đi những tín hiệu nhiễu loạn, khiến cộng đồng quốc tế hoang mang tự hỏi liệu đường hướng chính sách tương lai của chính quyền Trump dành cho Syria là gì? Song có một điều chắc chắn là cuộc không kích căn cứ Shayrat không thể mở ra con đường kiến tạo một nền hòa bình thực chất cho quốc gia này.

Không cuộc tấn công bằng tên lửa hay hành động can thiệp quân sự nào của Mỹ có thể chấm dứt cuộc xung đột ở Syria, bởi đơn giản là các vấn đề chính trị không thể được giải quyết bằng những biện pháp quân sự.

Daniel DePtris, nhà phân tích kỳ cựu thuộc tổ chức Defense Priorities, bình luận

Vũ Hoàng

Bình luận
Ý kiến của bạn