Công trình xây dựng tại cụm công nghiệp nhựa Hòa Đức, tỉnh Long An, là dự án phối hợp đầu tư giữa Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP HCM và Công ty cổ phần năng lượng Mặt Trời Đỏ. Tổng vốn đầu tư 10 triệu USD.
Theo kế hoạch, giai đoạn 1, nhà máy lắp ráp panel pin mặt trời từ linh kiện nhập khẩu với công suất có thể cung cấp là 3 megawat điện một năm. 40% sản phẩm dùng phục vụ thị trường trong nước, 60% gia công xuất khẩu. Các loại pin mặt trời sản xuất trong giai đoạn này có thể cho 75-125 wat điện một tấm.
Giai đoạn 2 dự kiến khởi động vào năm 2010. Nhà máy sẽ sản xuất linh kiện lắp ráp pin từ nguyên liệu trong nước.
Phối cảnh nhà máy sản xuất pin sử dụng năng lượng mặt trời. Ảnh: K.C. |
Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP HCM Huỳnh Kim Tước cho biết, giá pin năng lượng mặt trời sẽ giảm nhiều hơn, khi nhà máy tự sản xuất được linh kiện để lắp ráp toàn bộ panel.
Ông Tước nhấn mạnh, dự án nhà máy pin mặt trời có ý nghĩa lớn đối với ngành năng lượng nội địa vì góp phần bảo vệ môi trường và phục vụ nhu cầu thắp sáng cho các địa phương mà lưới điện chưa thể đến được.
Tuy nhiên ông Tước cũng thừa nhận, việc phổ biến sử dụng pin mặt trời đến toàn dân Việt Nam sẽ là rất khó. Nếu tính cả tiền sạc pin và bảo trì hằng năm, chi phí cho máy phát điện mặt trời sẽ tốn kém hơn nhiều lần so với dùng điện từ thủy điện.
"Tại một số nước điển hình là Đức, để bảo vệ môi trường và tiết kiệm điện, họ hỗ trợ người dân trong việc sạc pin là bảo trì thiết bị dùng điện năng lượng mặt trời hằng năm", ông Tước nói.
Thiên Chương