Nhà sản xuất phim Lưu Phước Sang cho rằng: Kinh phí quảng bá phải chiếm 30% tổng kinh phí thực hiện phim. Ảnh: Ngọc Trâm. |
- Theo ông, đâu là điểm khác biệt lớn nhất giữa phim nhà nước và tư nhân?
- Phim nhà nước và tư nhân cùng chung mục đích là đem phim phục vụ khán giả nhưng nhiệm vụ thì khác. Hãng phim Nhà nước do ngân sách đầu tư nên phải hoàn thành nhiệm vụ chính trị. Hãng phim tư nhân nhiệm vụ sống còn là thu hồi vốn, tái đầu tư sản xuất. Do định hướng khác nhau không thể phát triển giống nhau được.
- Kinh phí làm phim tư nhân và nhà nước chênh lệch nhau rất lớn. Điều đó tác động thể nào đến chất lượng phim, thưa ông?
- Cái giỏi của người sản xuất là nắm được đầu ra, khi nắm được đầu ra mới tính được giá thành sản xuất và lợi nhuận.
Phim tư nhân Việt Nam làm được chủ yếu vào các dịp Tết. Doanh thu tầm 20 tỷ đồng chia qua chia lại, chúng tôi chỉ còn lại 10 tỷ nên buộc phải làm phim trong tầm 6-7 tỷ không hơn, vì hơn thì độ rủi ro rất cao. Đó là dự tính của nhà sản xuất phim tư nhân. Phim nhà nước có thể chỉ được làm với 30-40 triệu đồng mỗi tập, nhưng đầu ra không cần lo. Với phim tư nhân, chúng tôi quan tâm đầu tiên và hàng đầu là đầu ra.
- Đứng ở tư cách một nhà sản xuất, anh cho rằng sự chênh lệch cát-xê của diễn viên giữa phim nhà nước và tư nhân ảnh hưởng thế nào tới bộ phim?
- Nó là quy luật cung cầu mà thôi. Chúng tôi biết khi làm phim thu được 10 tỷ, 20 tỷ thì yếu tố nào để thu được điều đó: Kịch bản, đạo diễn, diễn viên. Phim nhà nước trả cát-xê mức nhất định theo khung vô hình nào đó. Với phim tư nhân, diễn viên A đòi một, hai trăm triệu đồng mà lực anh không hút được thì 20 triệu, thậm chí 2 triệu đồng tôi cũng không trả vì nó không nằm trong dự án, không nằm trong tính toán của tôi. Diễn viên B đòi 1 tỷ đồng nhưng tôi biết anh ta sẽ đem lại lợi nhuận 10 tỷ cho tôi, tôi sẵn sàng mời.
Trên thế giới các nhà làm phim đều tính toán tinh quái lắm. Ví dụ ông Ngô Vũ Sâm (John Woo) khi làm Xích Bích mời Kim Thành Vũ, Triệu Vy và Lương Triều Vỹ… vì ông ta biết chắc, với những diễn viên tên tuổi này Xích Bích chắc chắn ăn khách tại thị trường châu Á.
- Với phim nhà nước, một đạo diễn làm đến 3-4 phim truyện nhựa liên tục không khẳng định được tay nghề vẫn tiếp tục được làm phim. Còn phim tư nhân thì sao, thưa ông?
- Một bộ phim chiếu không khán giả mà đạo diễn vẫn tồn tại thì đó là phim nhà nước, tiền nhà nước. Nhưng nếu tư nhân chúng tôi, chỉ cần một bộ phim như thế, thương hiệu của anh sẽ mất trên thị trường, vốn của anh sẽ hết. Tôi không nêu tên nhưng những năm qua chúng ta đã chứng kiến không ít những hãng phim lập ra sau một hai phim bị gãy đã biến mất khỏi thị trường. Ngày hôm nay tôi được ngồi đây là do đã có một hai phim thành công, nhưng nếu bộ phim sắp tới chiếu vào dịp Tết của tôi là Huyền thoại bất tử, kinh phí tới mười mấy tỷ mà không thành công, chắc chắn tôi sẽ không còn cơ hội làm điện ảnh nữa. Vì vậy, với những hãng phim tư nhân như chúng tôi, mỗi dự án đều phải tính toán rất kỹ vì nó liên quan đến tính sống còn.
- Trong Hội thảo, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân có đề cập tới mối quan hệ chưa chuyên nghiệp giữa đạo diễn và biên kịch. Mối quan hệ đó ở các hãng phim tư nhân thì thế nào?
- Chúng tôi thường mua trực tiếp kịch bản nên toàn quyền sử dụng theo hợp đồng. Tôi giao cho đạo diễn và đạo diễn có quyền biến hóa theo ý mình, không bao giờ xảy ra tình trạng như phim nhà nước, tranh cãi giữa nhà biên kịch và đạo diễn. Ngay khi mua chúng tôi đã giao hẹn, ràng buộc trong hợp đồng: nếu đồng ý bán cho tôi thì tôi toàn quyền được sử dụng, sửa chữa kịch bản của anh, vì theo luật, người chịu trách nhiệm là nhà sản xuất.
- Mỗi năm Việt Nam có rất nhiều cuộc hội thảo, rất nhiều ý kiến được đưa ra nhưng sau đó mọi chuyện vẫn y như cũ. Ông nghĩ sao về thực tế này?
- Hội thảo thì cứ hội thảo, hiện thực thì cứ là hiện thực. Nhưng nói chung những người tham gia hội thảo đều là những người có tâm huyết. Chúng ta hy vọng mưa dầm thấm lâu, sẽ có một ngày mọi chuyện trở nên ổn thỏa.
Từ trái qua: Nghệ sĩ Phước Sang, Trần Bảo Sơn, diễn viên Trần Thiên Tú, Dustin Nguyễn và người đẹp Trương Ngọc Ánh trong buổi ra mắt đoàn làm phim "Huyền thoại bất tử". Ảnh: Quỳnh Trang. |
- Vậy với hội thảo về việc nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp trong sản xuất và phổ biến phim của Cục Điện ảnh năm nay, ông có đề xuất gì?
- Với phim nhà nước, lâu nay chúng ta vẫn cho rằng, mục đích lớn nhất là hoàn thành nhiệm vụ chính trị, còn phát hành ai lo thì lo.
Nhưng hiện tại, để công chúng không quay lưng với điện ảnh nước nhà, chúng ta phải có khâu phát hành phim chuyên nghiệp. Như thế mới kích thích được người sản xuất vì nếu phim chiếu ở rạp hiện đại, mà sản xuất thì lạc hậu không đồng bộ, đâu chiếu được. Khi chúng ta đầu tư “cái cầu” chuyên nghiệp thì mọi thứ phải chạy theo đó cho tương xứng.
Lâu nay, chúng ta cứ kêu gào đòi xây dựng trường quay hoành tráng như các nước nhưng thử hỏi, đầu tư xong, phim ra không chiếu được thì sao? Vì thế, tôi nghĩ chúng ta hãy đầu tư rạp trước chứ đừng đi ngược lại quy trình. Anh có nói gì thì nói: sản xuất chuyên nghiệp, anh giỏi đằng trời mà đưa phim tới các rạp lớn như Sài Gòn Media hay Megastar mà bị lắc đầu thì cũng vứt. Mà thực ra, các hãng trong nước cũng đâu ép buộc được Megastar và những tập đoàn giải trí nước ngoài chiếu phim của mình. Việt Nam phải có tập đoàn phát hành phim hùng mạnh thì mới có có cơ hội khẳng định được mình. Từ đó, người sản xuất mới có cơ hội nắm được cán cân cung cầu.
- Với tất cả những điều ông đã nói ở trên, ông chứng minh nó như thế nào trong “Huyền thoại bất tử” chuẩn bị ra mắt vào Tết 2009?
- Huyền thoại bất tử là bộ phim hành động, hài hước, lãng mạn, hợp tác Sài Gòn Media - Phước Sang Entertainment và Wonderboy Entertainment. Chúng tôi hy vọng đó sẽ là bom tấn của Việt Nam vì xoay quanh nhân vật mà cả thế giới đều biết: Lý Tử Long. Đây là một câu chuyện rất cảm động, có sự tham gia của Dustin Nguyễn, một diễn viên đẳng cấp thế giới.
Lựa chọn Dustin Nguyễn không chỉ vì vai diễn khó, đòi hỏi diễn viên phải vô cùng giỏi võ mà còn bởi Dustin đã có thương hiệu ở nước ngoài. Chúng tôi sẵn sàng bỏ tiền ra mời anh để được những cái về sau, khi phim phát hành ra thị trường nước ngoài.
Cũng giống như Áo lụa Hà Đông, bộ phim này có bối cảnh trải dài trên nhiều vùng của đất nước: từ Nha Trang, Bình Định, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ…
Với phim này, tác giả kịch bản đồng thời cũng chính là đạo diễn Lưu Huỳnh, nên có sự thống nhất hoàn toàn.
Trước khi chuẩn bị quay, chúng tôi đã chuẩn bị hoàn chỉnh về khâu phát hành cho bộ phim này. Sản xuất quan trọng nhưng nhưng yếu tố hàng đầu là phát hành.
Tôi đã có một số đối tác phát hành ở nước ngoài, nhưng làm ăn nước ngoài có những điều rất tế nhị cần biết để tránh bị ép giá. Tôi có được kinh nghiệm này từ Dòng máu anh hùng trước đó.
Ngọc Trâm thực hiện