Tiến sĩ Shannon Goodson, chủ tịch một công ty chuyên phát hành các ấn phẩm về tâm lý hành vi mang tên Behavioral Sciences Research Press, tiến hành thu thập thông tin về hành vi của nữ giới tại nơi làm việc của khoảng 11.500 phụ nữ và 16.700 nam giới trong độ tuổi lao động ở 34 quốc gia.
Phân tích ban đầu cho thấy phụ nữ ở Anh, Mỹ và Trung Quốc tỏ ra tự tin khi quảng bá bản thân bằng cách nói về những thành công của họ, trong khi phụ nữ ở New Zealand và Thụy Điển cho rằng hành vì đó làm hoen ố hình ảnh của phái đẹp.
Phần lớn phụ nữ coi quảng bá bản thân là hành vi đáng xấu hổ. Ảnh: AP. |
Theo Shannon, phụ nữ không tạo ra rào cản vô hình để tự giới hạn khả năng thăng tiến, nhưng họ lại vô tình duy trì nó. Khả năng thu hút sự chú ý của người khác tới những đóng góp và thành quả trong công việc đang trở thành một phần quan trọng trong nghệ thuật quản lý hiện đại, nhưng phần lớn nữ giới không thể hoặc không muốn làm điều đó như những đồng nghiệp nam của họ.
"Họ cho rằng chỉ cần làm việc chăm chỉ là đủ để giúp họ có mức lương và vị trí cao hơn. Hoàn thành xuất sắc công việc tuy quan trọng, nhưng bản thân nó không biết nói. Bạn phải nói giúp nó", Shannon giải thích.
Ngược lại, nam giới luôn tỏ ra hào hứng khi quảng bá bản thân. Thậm chí họ sẵn sàng nói dối để được thăng chức hoặc nhận được sự khâm phục. Sau khi nói dối, phái mạnh hiếm khi cảm thấy băn khoăn hay xấu hổ.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy những phụ nữ nắm quyền lực cao có xu hướng cản trở hoặc phá hoại cơ hội thăng tiến của những phụ nữ dưới quyền.
Nhiều nhân viên nữ thừa nhận họ thích làm việc dưới trướng của sếp nam hơn. Theo họ, sếp nam có tư tưởng nhất quán và công bằng hơn sếp nữ. Ngoài ra, họ cho rằng nam giới có xu hướng khích lệ và hỗ trợ nhân viên nữ nhiều hơn.
"Nhìn chung, nữ giới vẫn tỏ ra rụt rè và thụ động trong việc quảng bá hình ảnh cá nhân và điều đó khiến họ luôn ở phía sau nam giới trong quá trình chiếm lĩnh các nấc thang quản lý. Phái yếu nên trách chính bản thân họ về tình trạng đó", Shannon tuyên bố.
Việt Linh (theo Daily Mail)