Thứ ba, 23/4/2024
Thứ năm, 29/1/2015, 19:52 (GMT+7)

Trực thăng UH-1 từng phổ biến trong chiến tranh Việt Nam

Trực thăng UH-1 có lịch sử lâu đời và được triển khai nhiều trong chiến tranh Việt Nam. Loại máy bay này từng bị loại bỏ khỏi thực lực chiến đấu trước khi được tân trang và tiếp tục sử dụng.

UH-1 Iroquois hay còn có tên gọi khác là Huey là trực thăng quân sự đa năng do hãng Bell chế tạo theo yêu cầu của quân đội Mỹ năm 1952. Chiếc đầu tiên loại này bay vào ngày 20/10/1956. Đây là loại trực thăng động cơ turbin đầu tiên được sản xuất cho lực lượng vũ trang Mỹ. Chiếc cuối cùng xuất xưởng năm 1976 và đã có 16.000 chiếc loại này được sản xuất trên toàn thế giới. Trong hình là Bell XH-40, nguyên mẫu của UH-1. Ảnh: US Army

Máy bay UH 1 có kíp lái 1 - 4 người; dài 17,4 m; cao 4,39 m; trọng lượng rỗng 2.365 kg, có tải 4.100 kg, trọng lượng cất cánh tối đa 4.309 kg. Máy bay có tốc độ tối đa 217 km/h, tầm bay chuyển sân 507 km, trần bay 5.910 m, sức chứa 14 người. Trong ảnh là trực thăng UH-1D trong một cuộc thử nghiệm súng phóng lựu của Mỹ tháng 4/1965. Ảnh: US Army

 

UH-1 rất nổi tiếng trong chiến tranh Việt Nam. Khoảng 7.000 trực thăng loại này từng được triển khai tại Việt Nam kể từ khi chiếc đầu tiên hạ cánh tại nước ta năm 1962. Các máy bay được sử dụng để vận chuyển binh lính và hàng hóa, sơ tán y tế, và tấn công từ trên không. Trong hình là phi đội UH-1 của Mỹ hoạt động tại Việt Nam. Ảnh: Museumofflight

Thời gian đầu, quân đội Việt Nam chưa có nhiều vũ khí hiệu quả và kinh nghiệm trong việc khắc chế loại máy bay này nên gặp rất nhiều khó khăn trên chiến trường. Theo cuốn Lịch sử Không quân Nhân dân Việt Nam, ở thời điểm cao nhất, Không quân Việt Nam Cộng hòa sở hữu tới 594 chiếc trực thăng UH-1. Trong ảnh là UH-1 thuộc không lực của Việt Nam Cộng hòa tháng 8/1971, được trang bị bệ phóng tên lửa và súng mini 7,62 mm. Ảnh: US Air Force

Tuy nhiên quân đội Việt Nam đã tiêu diệt gần một nửa số máy bay UH-1 trên chiến trường. Trong trận Ấp Bắc, diễn ra vào ngày 2/1/1963, gần Ấp Bắc thuộc tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang), quân giải phóng bắn rơi 5 máy bay UH-1, đánh dấu chiến thắng lớn đầu tiên của du kích Mặt trận giải phóng dân tộc miền Nam Việt Nam đối với Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Trong ảnh là xác một chiếc UH-1 bị bắn rơi trong trận chiến. Ảnh: US Army

Theo cuốn Lịch sử Không quân Nhân dân Việt Nam, Quân đội Nhân dân Việt Nam thu được 50 chiếc UH-1 còn nguyên vẹn do Mỹ và quân đội Sài Gòn bỏ lại, sau đó những chiếc trực thăng này nhanh chóng được sửa chữa, hồi phục để đưa vào hoạt động. Trực thăng được sử dụng để tham gia nhiều loại nhiệm vụ gồm vận tải, chở khách, cứu thương, tìm kiếm cứu nạn, trinh sát, huấn luyện và chiến đấu. Ảnh: Airlines.net

 

Sau đó, các máy bay là chiến lợi phẩm thu được sau 1975 gặp nhiều khó khăn trong hoạt động do thiếu phụ tùng, linh kiện thay thế nên đã lần lượt ngừng hoạt động, gồm cả trực thăng UH-1. Loại trực thăng này gần như bị loại khỏi thực lực chiến đấu của Không quân Việt Nam từ năm 1982. Tuy nhiên, từ sau năm 2005, UH-1 đã được sửa chữa, khôi phục và tái trang bị cho Không quân Nhân dân Việt Nam. Ảnh: Airliners.net

Sau khi Mỹ rút lệnh cấm xuất khẩu trực thăng quân sự cho Việt Nam năm 2009, Phó giám đốc Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ Richard Genaille tháng 9/2010 thông báo Mỹ cấp 1,3 triệu USD cho chương trình củng cố quan hệ an ninh quốc phòng với Việt Nam để nâng cấp khoảng 15 chiếc trực thăng UH-1 của Việt Nam. Ảnh: Reuters

 

Chiếc trực thăng quân sự UH-1 số hiệu 912 sáng 28/1 cất cánh từ Tân Sơn Nhất để bay huấn luyện thì mất liên lạc. Gần 2 giờ sau, máy bay được phát hiện rơi ở một nông trường thuộc huyện Bình Chánh. 4 chiến sĩ trên trực thăng thuộc trung đoàn 917, sư đoàn không quân 370, quân chủng Phòng không không quân đã hy sinh. Trong ảnh là một mảnh vỡ trực thăng ở hiện trường vụ tai nạn.

Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Việt Nam Võ Văn Tuấn cho hay, trực thăng gặp nạn được đại tu tại Mỹ tháng 7/2012 và đủ điều kiện bay an toàn. Ông Tuấn cho biết nguyên nhân vụ trực thăng quân sự UH-1 rơi đang được điều tra, song bước đầu có thể khẳng định không có dấu hiệu phá hoại.

Phương Vũ (tổng hợp)