Thứ ba, 19/3/2024
Thứ hai, 22/10/2018, 10:09 (GMT+7)

Vợt cào cào từ chiều đến đêm kiếm tiền triệu ở Sài Gòn

Với chiếc vợt lưới, một cái thùng và đèn pin, người dân huyện Hóc Môn lội vào những đồng cỏ bắt cào cào kiếm tiền mưu sinh.

Khoảng 15h mỗi ngày, hàng chục người ở xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn (TP HCM) chuẩn bị đồ nghề lên xe máy để đến các đồng cỏ ở Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi, quận 9... vợt cào cào.

Theo họ, cào cào thường xuất hiện nhiều vào sáng sớm và chiều tối khi sương xuống. "Nghề này tuy vất vả nhưng giúp gia đình tôi có thu nhập ổn định, những hôm trúng kiếm được hơn triệu đồng, hôm nào ít cũng được khoảng 500.000 đồng", anh Trần Thành Được hành nghề này hơn 10 năm, nói.

Ngoài vợt, đèn pin, mỗi người thợ còn mang theo các bó chà để sẵn trong thùng cho cào cào bám vào. "Mỗi ngày vợt được hàng nghìn con, nếu không thiết kế nơi cho chúng đậu thì về đến nhà sẽ chết hết, bán không ai mua hoặc giá bèo", anh Được chia sẻ.

Theo kinh nghiệm của các thợ thì đầu mùa mưa, nông dân gieo sạ, cào cào xuất hiện nhiều nên chỉ vợt ở những cánh đồng tại Sài Gòn hay các tỉnh lân cận như Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai. Mùa nắng, họ phải chạy xuống các tỉnh miền Tây như: Long An, Vĩnh Long, Trà Vinh, vì nơi đây có nhiều đồng cỏ cao, xanh tốt quanh năm, cào cào đổ về tránh nắng.

"Mỗi chuyến đi thu nhập của chúng tôi khoảng 1.000.000 - 2.000.000 đồng nhưng mất nhiều sức do di chuyển xa và thức trắng đêm", anh Được cho hay.

Người bắt cào cào ngoài sức khỏe, đòi hỏi khéo léo giữ tốc độ vợt nhanh và liên tục. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là kinh nghiệm, nếu xác định đúng "ổ" thì có thể vợt vài tháng mới hết, thu nhập cũng ổn định.

Với xe máy, cái vợt và thùng, những người thợ rong ruổi khắp các cánh đồng cỏ từ chiều đến đêm. Có nhiều hôm đến những đồng cỏ thưa thớt cào cào, họ phải di chuyển nhiều nơi, đến tờ mờ sáng mới về nhà.

Vợt liên tục gần 5 tiếng tại cánh đồng cỏ ở Củ Chi, vợ chồng bà Võ Thị Út (53 tuổi) thu được cả thùng cào cào. "Bình quân mỗi đêm hai vợ chồng tôi cũng kiếm được 400.000 - 500.000 đồng", bà Út nói.

Đang lựa cào cào cho vào túi nylon, anh Võ Thành Sol (quê hậu Giang) cho biết, nghề này cũng vất vả nhưng lại thoải mái. "Lên Sài Gòn gần 20 năm nay, ban đầu tôi làm rất nhiều nghề như làm công ty, thợ hồ, chạy xe ôm... thu nhập bấp bênh. Nhưng từ ngày làm nghề này cuộc sống ổn định hơn", anh Sol, người bắt cào cào được hơn 8 năm, tâm sự.

Sau khi vợt về, hai vợ chồng ông Nguyễn Văn Tám cũng phải phân loại cào cào ra đến 3 - 4h sáng mới xong. "Muốn gắn bó lâu dài với nghề này phải biết thức khuya, vì công việc diễn ra về đêm. Vất vả nhất là khâu lựa ra bán cho thương lái, phải chịu khó mới làm được", ông Tám hành nghề hơn 32 năm, chia sẻ. 

Gia đình hơn 10 năm thu mua cào cào ở xã Xuân Thới Thượng, bà Năm Cắt cho biết, mỗi ngày tiền mua cào cào từ các thợ đi bắt khoảng 15 triệu đồng. Ngoài việc bỏ sỉ cho các mối tại TP HCM, gia đình bà còn đóng thùng phân phối khắp cả nước.

Số lượng cào cào tiêu thụ không hết hoặc chết trong quá trình vận chuyển, người dân mang phơi khô, xay ra làm cám bán cho chim non với giá 200.000-300.000 đồng mỗi kg.

Theo thợ bắt cào cào, mấy năm gần đây, người chơi chim cảnh ngày một tăng. Cám và trái cây được hạn chế lại trong khẩu phần chim cảnh, thay vào đó là thịt cào cào tươi sống, thơm ngon để chúng khỏe, lông mượt, hót hay..., nhờ đó mà nghề cào cào mới thịnh.

Mỗi buổi sáng tại các công viên trên địa bàn TP HCM như: Tao Đàn, Hoàng Văn Thụ, Gia Định... tấp nập cảnh người nuôi chim mua cào cào. Mỗi túi cào cào (khoảng 14 -16 con) có giá 2.000 - 3.000 đồng tùy từng loại.

Hữu Khoa