Thứ ba, 16/4/2024
Thứ sáu, 13/2/2015, 15:35 (GMT+7)

Phố ông đồ mới vắng khách

Năm đầu tiên hoạt động trong hồ Văn, cách địa điểm cũ trên vỉa hè Văn Miếu - Quốc Tử Giám chỉ hơn 100 m, phố ông đồ vắng khách dù chỉ còn 5 ngày nữa là sang năm mới.

Sau nhiều tranh cãi, năm nay, Hà Nội quyết định "di dời" phố ông đồ từ địa điểm cũ ở vỉa hè Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào hồ Văn cách đó hơn 100 m.

Hoạt động của phố ông đồ trong hồ Văn được tổ chức quy củ với gần 100 lều khung sắt ngay ngắn bên mặt hồ.  Khai mạc từ hôm 8/12 (21 tháng Chạp) với tên gọi chính thức là "Hội chữ xuân Ất Mùi". Tuy nhiên, sau 5 ngày hoạt động, "phố ông đồ mới" khá vắng vẻ, khách đến thưa thớt.

Một ông đồ lẻ loi trong hồ Văn, các ô bên cạnh đã phân cho các ông đồ khác nhưng bị bỏ trống.

Dù là ông đồ có tiếng, vị trí được cấp trong hồ Văn khá "đẹp" , ông Văn Thùy, 75 tuổi, cũng không có nhiều khách. "Người đến là bạn nhiều hơn là khách. Thế là lại làm chén rượu Xuân, viết chữ chủ yếu để giao lưu chứ bán được là mấy. Vui là chính, chẳng sao cả ", ông đồ Văn Thùy chia sẻ.

Ông đồ Hoàng Ngọc Lượng, 70 tuổi, ngồi buồn trong lúc vắng khách. "Cả ngày nay chỉ có vài khách, vắng hơn hẳn so với mọi năm. Có lẽ do địa điểm mới nên người dân chưa biết. Nhưng theo tôi vẫn nên duy trì phố ông đồ tại đây để mọi thứ được ngắn nắp, một vài năm nữa người dân quen rồi sẽ lại đông vui thôi", ông Lượng chia sẻ.

Ô viết chữ của ông đồ Bùi Chính Hưng, 45 tuổi, được sắp xếp rất đẹp mắt, ngoài bàn viết chữ còn bày các sản vật đặc sắc của vùng Tây Nguyên. Như mọi năm trên vỉa hè Văn Miếu, rất khó để đồ Hưng có thể bài trí ngắn nắp như thế này.

Phố ông đồ trong hồ Văn năm nay có 5 ô "vip" cho khách mời danh dự là các tên tuổi thư pháp có tiếng như Tiến sĩ Hán học Cung Khắc Lược, thư pháp gia Như Phách... Dù đã 83 tuổi, thư pháp gia Như Phách vẫn nhiệt tình đến ngồi viết chữ tại phố ông đồ mới.

Người viết chữ tại phố ông đồ trong hồ Văn năm nay đều phải trải qua một kỳ "sát hạch" trình độ thư pháp để tránh tình trạng ông đồ viết chữ sai, viết xấu. Vượt qua kỳ thi khá dễ dàng, cô đồ 34 tuổi Trịnh Thị Hiếu lần đầu tiên từ Bắc Giang xuống Hà Nội tham gia phố ông đồ. Khác với các "đồng nghiệp", ngoài viết chữ trên giấy, cô Trịnh Thị Hiếu còn viết chữ lên mành mây tre. "Mây tre đan cũng là nghề truyền thống của Bắc Giang quê mình. Ngày xuân về đây giao lưu, học hỏi nên cũng muốn mang sản vật quê hương đến giới thiệu", cô Hiếu nói.

Cành đào trên bàn thư pháp của một ông đồ.

Ngoài các ô viết chữ, trong hồ Văn còn trưng bày tác phẩm thư pháp tuyển chọn. Chủ để triển lãm thư pháp năm nay là "Khuyến học".

Một cụ già sinh sống gần hồ Văn vừa đưa cháu đi dạo, vừa chăm chú xem phố ông đồ.

Quý Đoàn