Thứ sáu, 19/4/2024
Thứ hai, 5/9/2016, 00:00 (GMT+7)

Hoang tàn biệt thự cổ Đà Lạt

Suốt thời gian dài không được sử dụng, hàng chục biệt thự gần 100 tuổi ở Đà Lạt đang xuống cấp nghiêm trọng trong cảnh hoang tàn.

Trước năm 1975, Đà Lạt có khoảng 1.500 biệt thự, phần lớn được xây theo phong cách Pháp (xây đầu thế kỷ 20), điều mà hiếm có thành phố nào ở Việt Nam có được. Tuy nhiên suốt thời gian dài không được sử dụng, những biệt thự này đang xuống cấp. Nằm trên khoảnh đất thoáng đãng, biệt thự số 9 trên đường Cô Giang suốt thời gian dài bị bỏ hoang.

Biệt thự số 1 đường Cô Giang với hai tầng lầu và kiến trúc bắt mắt với đường cong uốn lượn phía trên bức tường lớn mang lại vẻ duyên dáng, đài các. Do không được sử dụng nên căn biệt thự này đã xuống cấp rất nghiêm trọng.

Nhiều năm qua, thành phố Đà Lạt đã lập đề án sử dụng hợp lý quỹ biệt thự thuộc sở hữu nhà nước với hơn 170 căn nhưng số biệt thự thực sự đưa vào kinh doanh du lịch rất hạn chế. Không có người trông coi nhiều năm, một căn biệt thự trên đường Trần Quang Diệu bị mất gần như tất cả cánh cửa. 

Theo chính quyền Đà Lạt, sau khi trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng đi vào hoạt động tháng 4/2014, những cơ quan nhà nước đóng tại các biệt thự công được chuyển vào làm việc tập trung, danh sách biệt thự bỏ hoang tiếp tục nối dài. Đó chưa kể vẫn còn nhiều biệt thự được các hộ dân thuê để ở tạm, cơi nới, thay đổi hiện trạng so với kiến trúc ban đầu... 

Biệt thự số 3 trên đường Hùng Vương, nơi từng là trụ sở của Ban dân tộc tỉnh Lâm Đồng. Sau khi đơn vị này chuyển vào làm việc tại Trung tâm hành chính tỉnh, căn biệt thự cũng bị bỏ hoang, xung quanh cỏ mọc um tùm.

Cỏ mọc chắn lối cửa ra vào.  Hiện, có hàng chục căn biệt thự cổ ở Đà Lạt rơi vào tình cảnh hoang phế tương tự. Nguyên do được cho là giá quá cao nên không ai dám thuê để ở hay kinh doanh.

Lâu ngày không có người ở, cỏ dại mọc trên ban công cửa sổ, thay vì là những chậu hoa.

Một số cửa chính và cửa sổ thậm chí bị xây bịt kín. Nhà bỏ hoang lâu ngày, những cánh cửa mục nát, tường bong tróc trơ ra những viên gạch mỗi khi trời mưa nước đọng thành từng vũng phía trong khiến cho tình trạng xuống cấp diễn ra ngày càng nghiêm trọng.

Còn trên đường Hùng Vương, các biệt thự số 3, 17 nằm tại những vị trí "đắc địa" nhưng cũng bị bỏ hoang lâu ngày, khuôn viên chỉ toàn cỏ dại cao cả mét.

Những cánh cửa thậm chí được đóng đinh cho cố định.

Bên trong từng mảng tường bong tróc để lộ ra những hàng đá có tuổi đời gần thế kỷ.

Những ngôi biệt thự liền kề rơi vào tình trạng hoang phế, gạch đá ngổn ngang. 

Theo thời gian, mái ngói trên các cửa sổ "rụng" hết, chỉ còn trơ ra những khúc gỗ mục. 

Ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng cho biết, sau nhiều năm không phát huy được hết giá trị của những biệt thự công, việc sử dụng bị hạn chế, đơn vị đang sửa đổi bổ sung đề án sử dụng các căn biệt thự cổ một cách hiệu quả hơn.

Khánh Hương