Thứ năm, 25/4/2024
Chủ nhật, 27/12/2015, 14:44 (GMT+7)

Hổ Bengal và những thú quý trong công viên bán hoang dã

18 chú hổ Bengal và hàng loạt thú quý hiếm được đi lại tự do trong công viên Safari Phú Quốc, còn du khách "nhốt" mình trong xe chuyên dụng ngắm thú chạy bên ngoài.

Công viên Vinpearl Safari Phú Quốc (Kiên Giang) - vườn thú bán hoang dã duy nhất tại Việt Nam - có 18 hổ Bengal. Chúng nằm trong sách Đỏ thế giới, có tuổi thọ 26 năm nên rất quý hiếm. 

Theo nhân viên vườn thú, hổ Bengal tỏ ra thích hợp với điều kiện thời tiết tại đảo Phú Quốc nên sinh trưởng tốt. Vườn thú đang có kế hoạch nhân giống chúng ra nhiều hơn.

Linh dương Kudu Nam Phi cũng có mặt ở vườn thú. Loài này đang dần thưa thớt trên thế giới do nạn săn bắn và phá rừng.

Công viên cũng có nhiều loài thú quý nằm trong sách Đỏ thế giới như tê giác châu Phi, linh dương Ả Rập, vượn cáo trắng đen...

Nơi đây cũng nuôi nhốt nhiều chủng loại sư tử, đặc biệt sư tử trắng chỉ xuất hiện ở châu Phi. Sở dĩ loài này hiếm do gen lặn sinh ra màu lông khác thường. Chúng không có ưu thế khi đi săn do màu lông trắng dễ làm lộ chỗ ẩn nấp, rình mồi.

Tại khu vực bán hoang dã, du khách được chở bằng xe chuyên dụng, đóng kín cửa, xem thú đi lại tự do xung quanh. Đây là hình thức "thú thả, người nhốt" được áp dụng ở các công viên hoang dã, bán hoang dã trên thế giới.

"Ngồi trong xe chạy vòng vòng xem thú đi lại bên ngoài, cảm giác rất lạ, khác xa với cách đi vườn thú từ trước đến giờ", anh Huy Lượng - khách tham quan công viên, nói.

Trong ảnh là đàn linh dương đầu bò xanh phân bố chủ yếu từ châu Phi được trại thú đưa về Phú Quốc nuôi dưỡng.

Công viên có vườn chim rộng lớn, khách có thể tự tay cho các loài chim, cò ăn uống. Chúng tỏ ra khá dạn dĩ với con người. Trong ảnh là loại cò lạo nguồn gốc Indonesia.

Hàng chục hươu cao cổ từ châu Phi dần hòa nhập với điều kiện sống mới ở Phú Quốc. Vườn thú cho biết, loài này thích ăn lá keo, không từ bỏ món ngon nào trên cao nhưng lại hạn chế khi uống nước bởi việc cúi đầu xuống quá thấp do máu dồn lên não. 

Vượn cáo đuôi khoang từ đảo Madagascar - nằm trong sách Đỏ thế giới - có vòng đời khoảng 20 năm.

Ngựa vằn hoang mạc châu Phi. "Việc chăm thú gặp nhiều khó khăn do chúng được chuyển từ nhiều nơi về, cần thích nghi môi trường. Chúng tôi phải ăn ở cùng tụi nó để thuần hóa", nhân viên vườn thú cho biết.

Công viên còn có các phân khu chức năng, có nhiều chuyên gia nước ngoài hỗ trợ về y tế, cách chăm sóc.

Duy Trần