Thứ sáu, 26/4/2024
Thứ ba, 4/8/2015, 09:45 (GMT+7)

Hàng loạt tháp Chăm đang dần hư hại

Nhiều nguyên nhân tác động khiến phần lớn tháp Chăm ở Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế đang có nguy cơ bị xoá sổ, nhưng nhiều năm nay các nhà quản lý vẫn chưa tìm ra giải pháp tối ưu để trùng tu.

Có dấu hiệu bị nghiêng từ thời chiến tranh, tuy nhiên vài năm trở lại tình trạng này đang trở nên nghiêm trọng đối với tháp B3 thuộc thánh địa Mỹ Sơn (xã Duy Phú, Duy Xuyên, Quảng Nam). Đất bị nhão khiến tháp đang bị nghiêng hơn 8 độ và có dấu hiệu tăng nhanh, nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. 

Cũng tại Mỹ Sơn, tháp F1 được khai quật nhằm trùng tu từ năm 2002, tuy nhiên sau khi đào bới lên gạch bị rời rã, mất liên kết. Không tìm ra giải pháp tiếp theo để trùng tu nên các nhà quản lý dựng mái che bảo vệ từ đó đến nay. Tuy nhiên, việc làm mái che vô tình khiến cho độ ẩm tháp thay đổi. Cộng với nóng bức từ mái tôn dẫn đến việc gạch bị đổi sang màu trắng và nhanh chóng mất hết sự kết dính, rời ra nằm ngổn ngang.

Tháp F2 bên cạnh được chống đỡ khỏi đổ sập. Cả hai tháp này nằm trong dự án trùng tu hơn 10 năm trước. Tuy nhiên, sau khi thất bại đến nay vẫn chưa có đơn vị nào dám sửa chữa.

Ngoài ra, hàng loạt ngôi tháp khác ở Mỹ Sơn đang bị đất đá, cỏ cây chen lấn. Rễ cây ăn sâu vào thân tháp khiến gạch bị bong tróc, rơi vãi.

Tại Đồng Dương (xã Bình Định Bắc, Thăng Bình, Quảng Nam), vốn là một Phật viện lớn nhất Đông Nam Á ở thế kỷ 9 với khuôn viên rộng hàng chục hecta và từng được ghi nhận là không thua Mỹ Sơn về số lượng tháp. Nhưng đến nay, chỉ còn lại một mảng tường tháp cổng phải chằng chống bằng thép.

Mặc dù đã được chằng chống nhưng nhiều viên gạch đang mất dần sự liên kết, rơi vãi dưới chân tháp. Vào đầu thế kỳ 20, di tích Đồng Dương được ghi nhận còn nguyên vẹn với hàng chục ngọn tháp mang phong cách độc đáo. Đến nay mặc dù đã là di tích cấp quốc gia nhưng không được quan tâm đúng mức, khiến khu vực này trở nên hoang tàn.

Tại nhóm tháp Chiên Đàn (xã Tam Đàn, Phú Ninh, Quảng Nam), cũng đang bị cỏ cây là hư hại. Các cây lớn mọc trên đỉnh tháp, rễ của chúng ăn sâu tạo thành các vết nứt dẫn đến việc gạch bị bong tróc. 

Do 2 ngọn tháp đã bị mất nóc, các nhà quản lý phải dùng mái tôn để lợp, tránh nước mưa tràn vào bên trong tháp.

Nghiêm trọng hơn, tại nhóm tháp Khương Mỹ (xã Tam Xuân 1, Núi Thành, Quảng Nam), gạch dưới chân tháp bị mủn, phong hoá dần tạo thành các vết lõm ăn sâu tới hơn nửa mét. Tương tự Chiên Đàn, nhóm tháp tại đây cũng đang bị cây cỏ làm hư hại.

Nhiều năm trước, các đơn vị quản lý đã ký hợp đồng để trùng tu nhưng do đơn vị thi công gặp thất bại ở tháp Hoà Lai (Ninh Thuận) nên đến nay việc này vẫn chưa thực hiện được. Trong khi gạch đang ngày càng bị bào mòn với tốc độ nhanh, nhà quản lý phải dùng gạch rời để chắp vào các vết lỏm với tính chất tạm thời.

Tháp đôi Liễu Cốc tại thị xã Hương Trà (Thừa Thiên - Huế) được công nhận di tích cấp quốc gia nhiều năm nay, tuy nhiên toàn bộ khu tháp đang bị hoang phế, cỏ cây trùm kín. Những đống gạch đổ sập nằm ngồn ngang, không còn hình dạng của tháp như ban đầu.

Nhà chức trách cho hay, hiện nay vẫn chưa có phương pháp nào ngoài việc phát quang cây cỏ được tiến hành mỗi năm ở tháp đôi Liễu Cốc. Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan cho rằng, nếu vẫn không có biện pháp trùng tu, ngôi tháp này sẽ bị xoá sổ hoàn toàn.

Tiến Hùng – Đắc Đức