Thứ tư, 17/4/2024
Thứ hai, 4/9/2017, 00:00 (GMT+7)

'Gia tài' hàng trăm quả bom của ông lão ở Bình Dương

Từng hàng dài các loại bom, đạn với nhiều quả nặng cả tấn cao hơn đầu người được ông Lâm (64 tuổi, Bình Dương) sưu tập gần 40 năm nay.

Gần 40 năm nay, ông Nguyễn Tú Lâm (64 tuổi, xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng, Bình Dương) đi thu mua những vỏ bom đạn về làm nghề rèn và lưu trữ thành bộ sưu tập. Việc mua bán vỏ bom đạn của ông Lâm đều được ngành chức năng cấp phép.

Trong căn nhà kho, hiện tại ông có khoảng 500 vỏ bom đạn được xếp thành hàng dài theo thứ tự, chủng loại, kích thước... Nổi bật nhất trong bộ sưu tập là những quả B52 nặng gần một tấn, xếp đứng thành hàng dài. "Nhiều người đã tìm tôi để mua loại bom này về làm kỷ niệm với giá cả hàng chục triệu đồng", ông nói.

Trong khi đó, quả bom "khủng nhất" ông Lâm sở hữu cao 2,5 m năng hơn một tấn. Năm 2014, có người hỏi mua quả bom này với giá 150 triệu nhưng ông cũng không bán.

Hàng trăm quả bom cỡ nhỏ như bom cá mập, pháo cối 60 mm, 81 mm, hỏa châu... được xếp thành hàng.

Với những trái bom cỡ lớn, ông phải dùng sắt thép hàn lại để đứng vững và khỏi bị ăn cắp.

Ngoài ra, ông còn sở hữu rất nhiều viên đạn đến nỗi phải để trong xô lớn. Các món đồ quân trang của người lính cũng được ông cất giữ làm kỷ niệm.

Trước đó, với nghề rèn, ông chuyên thu mua vỏ bom đạn đã được rút hết thuốc nổ để gia công thành cuốc, xẻng, xô nước... bán cho người dân.

Thập niên 80 của thế kỷ trước nhờ những chiếc cuốc xẻng, dao rựa... từ vỏ bom đạn mà gia đình ông sống ổn định qua thời bao cấp. Chỉ tay vào cái gàu múc nước, ông nói: "Đồ dùng tái chế từ vỏ bom rất bền có thể sử dùng hàng chục năm mà chưa hư hỏng".

Đưa bom về nhà, những quả nhỏ được ông phân mảnh, rèn công cụ lao động bán cho người dân. Các quả to, ông bán cho các doanh nghiệp luyện kim trong vùng. "Tôi còn tận dụng mấy trái bom lớn, cắt đôi ra để chế tác thành chiếc máy hàn gió đá phục vụ cho công việc. Giờ "giải nghệ" rồi nhưng vẫn giữ cái máy làm kỷ niệm", ông chia sẻ.

Ngay cả những linh kiện của xe tăng cũng được ông sáng chế ra máy móc phục vụ cho nghề rèn của mình. Khi ấy, ngoài tái chế, ông còn cung cấp bom đạn cho các bảo tàng, khu di tích Địa đạo Củ Chi...

Ông kể, những năm 80 của thế kỷ trước, vùng Thanh Tuyền, Củ Chi còn nhiều bom nên việc mua bán dễ dàng. Về sau ông phải sang các tỉnh lân cận Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh… thu mua. Đến khoảng năm 2000, bom đạn gần như không còn nên ông cũng thôi nghề rèn. Số còn lại được giữ làm kỷ niệm từ đó đến nay.

Để có chỗ lưu trữ, người đàn ông 64 tuổi này xây hẳn căn nhà bằng gỗ, ngói để trưng bày. "Bộ sưu tập này giờ mà bán phải tiền tỷ. Những trái bom đạn giờ là chứng tích của chiến tranh, tôi giữ lại làm kỷ niệm để cho con cháu sau này", ông chia sẻ

Quỳnh Trần