Thứ năm, 25/4/2024
Thứ bảy, 10/11/2018, 18:09 (GMT+7)

Chợ Bình Tây đón tiểu thương trở lại sau hai năm tu sửa

Sau khi chợ gần trăm tuổi ở TP HCM hoàn thành sửa chữa, các tiểu thương đã dọn hàng vào để buôn bán từ ngày 15/11.

Ngày 10/11, các tiểu thương chợ Bình Tây (quận 6, TP HCM) tất bật dọn hàng hóa từ chợ tạm cạnh đó để chuẩn bị buôn bán lại, sau khi ban quản lý thông báo việc sửa chữa đã hoàn thành.

Đội khuân vác của các chủ sạp hàng liên tục bốc dỡ hàng hóa lên xe kéo, đưa vào ngôi chợ mới sửa khang trang.

"Em làm phụ việc cho chủ mấy năm nay rồi, chuyên giao hàng, khuân vác. Các thùng chỉ toàn bánh kẹo, không quá nặng nhưng cồng kềnh. Việc chuyển hàng phải xong trong ngày để kịp buôn bán nên nhân viên nào cũng khẩn trương làm", Phan Văn Vỹ (17 tuổi) cho biết.

Khu vực nhà lồng chợ có gần 1.500 sạp, kinh doanh nhiều mặt hàng. Nhiều sạp vải, tiểu thương tiến hành phân loại, sắp xếp cho gọn gàng.

"Tôi vẫn để một ít đồ ở chợ tạm để bán vì chợ Bình Tây phải đúng ngày 15/11 mới chính thức được thông thương. Các mối buôn bán tôi cũng đã nhắc họ trước khi chuyển ki ốt", chủ hàng balô chia sẻ.

Sắp xếp lại các lô hàng mỹ phẩm, cô Nguyễn Thị Hạnh (65 tuổi) cho biết, đã bán ở chợ Bình Tây gần 30 năm nay.

"Khoảng thời gian dọn qua chợ tạm là thời điểm kinh doanh ế ẩm nhất từ trước giờ của tôi. Vì chợ đó chật chội, nóng nực nên khách ngại vào, các mối hàng cũng mất nhiều do không biết sạp tôi ở đâu. Hy vọng sắp tới việc buôn bán thuận lợi hơn", bà Hạnh chia sẻ.

Nhiều tiểu thương khác tiếp tục thiết kế kệ hàng, kiểm tra hệ thống điện, nước... gian hàng của mình trước khi buôn bán trở lại.

Từng nhóm công nhân tất bật thi công, hàn các thanh thép thành khung làm kệ để hàng cho các chủ hàng. Những tiểu thương cho biết, để làm hoàn chỉnh kệ hàng phải mất trung bình bốn triệu đồng cho đội thi công.

Ông Vương Văn Ca cùng thợ sơn chống gỉ sét cho kệ sắt để hàng. Ông cho biết, phải mất cả tuần mới thiết kế xong kệ cho ki ốt của mình.

"Tùy theo ngành hàng mà mỗi sạp lại có cách làm kệ hàng khác nhau. Sạp của tôi diện tích như cũ nhưng khang trang hơn với lớp sơn, cửa sắt mới, hệ thống điện, điện thoại đầy đủ, trần không còn bị dột thấm khi mưa nữa", ông Ca (60 tuổi) nói.

Hiện hầu hết sạp đều đã được bàn giao, lắp đặt kệ hàng, biển quảng cáo mới.

Trước ngày chợ hoạt động trở lại sau thời gian sửa chữa, nhiều tiểu thương thắp nhang, cầu nguyện trước tượng ông Quách Đàm (một thương gia người Hoa bỏ tiền xây chợ năm 1928) mong buôn may bán đắt. 

Chợ Bình Tây được xây dựng theo kỹ thuật của Pháp trên khuôn viên rộng 25.000 m2. Cuối năm 2016, chợ đóng cửa sửa chữa. Các tiểu thương phải dọn hàng hóa sang chợ tạm làm bằng nhôm ở đối diện cổng chính.

Kinh phí sửa chợ là 104 tỷ đồng. Các hạng mục cải tạo, sửa chữa gồm: thay mới toàn bộ hệ thống rui và lợp lại ngói theo mẫu cũ; sơn tường, cột, trần; cải tạo cầu thang, lan can; nâng nền, xây mới nhà vệ sinh và nhà đặt máy phát điện dự phòng.

Tiểu thương tất bật dọn hàng vào chợ lớn nhất Sài Gòn
 
 

Video: Vũ Đoan

Quỳnh Trần