Thứ sáu, 29/3/2024
Chủ nhật, 27/12/2015, 01:00 (GMT+7)

'Cây thị ăn thề' gắn với giai thoại vua Lê Lợi

Sử sách ghi lại, năm 1425 dưới gốc thị tán rộng ở xã Sơn Phúc (Hương Sơn, Hà Tĩnh), vua Lê Lợi cùng thủ lĩnh nghĩa quân Sơn Cốc Nguyễn Tuấn Thiện đã giết ngựa, cắt tóc ăn thề thể hiện quyết tâm đánh đuổi giặc Minh.

Cây thị cổ được nhà chức trách Hà Tĩnh xác định có tuổi đời hơn 700 năm, tọa lạc trong khu vườn của một gia đình tại xóm Kim Sơn II, xã Sơn Phúc (Hương Sơn, Hà Tĩnh).

Ở phía dưới, người dân lập đền thờ, đặt tên là "Gốc thị sử tích" hay còn gọi là "Cây thị ăn thề". Bia đá chỉ rõ gốc thị là chứng tích của một lời tuyên thề quyết tâm đánh đuổi giặc Minh của nghĩa quân Lam Sơn.

Cây cao hơn 40m, tán rộng 30m, chu vi gốc gần 13m, thân thon nhỏ dần lên ngọn. Lớp vỏ cây có nhiều khối u, đường gân sần sùi, dưới gốc có chỗ được khoét rỗng ruột, cao khoảng 5m, người có thể ẩn nấp bên trong. Hàng năm cứ vào mùa, cây luôn sai quả. Theo người dân, quả "cây thị ăn thề" luôn to tròn, vàng chín mọng và có mùi thơm ngào ngạt, đặc biệt hơn so với nhiều giống thị khác.

Ông Nguyễn Trí Sơn, Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh cho biết, sử sách chép lại cây thị cổ này gắn liền với rất nhiều truyền thuyết về một thời khai sinh lập quốc của Lê Lợi. Vào năm 1424, trong quá trình đánh giặc Minh gặp khó khăn, Lê Lợi đã phải chuyển vào vùng núi Thiên Nhẫn (giáp ranh hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh) để chờ thời cơ.

Một lần bị địch truy đuổi, Lê Lợi chạy đến vùng núi huyện Hương Sơn và ẩn nấp vào trong hốc của gốc thị này. Khi truy tìm thủ lĩnh nghĩa quân Lam Sơn, đàn chó săn của quân Minh liên tục sủa vang xung quanh gốc thị, quân địch dùng gươm giáo xỉa vào cây khiến ông bị thương phải nén đau xé áo băng bó. Ngay lúc đó, một con cáo trắng từ bên trong hốc cây chạy ra đánh lạc hướng đàn chó săn và binh lính giặc, nhờ vậy mà Lê Lợi thoát nạn và sau đó xây dựng cơ đồ.

Ông Sơn dẫn lời sử sách thông tin thêm, vào năm 1425, biết tin thủ lĩnh nghĩa quân Cốc Sơn Nguyễn Tuấn Thiện đang đứng lên khởi nghĩa ở vùng núi Hương Sơn, Lê Lợi đã tìm đến chiêu quân, kết nghĩa anh em. Sau đó cả hai cùng giết ngựa trắng, cắt tóc ăn thề dưới gốc thị cổ, thể hiện quyết tâm đồng lòng cùng nhau đánh giặc ngoại xâm.

"Sau khi đánh đuổi quân Minh, Lê Lợi lên ngôi vua, Nguyễn Tuấn Thiện được phong là khai quốc công thần", ông Sơn nói. Người dân địa phương từ đó về sau vẫn luôn lưu truyền câu thơ nói về giai thoại lịch sử: "Cắt tóc, giết ngựa trắng/ Dưới gốc thị thề nguyền/ Nguyện đồng tâm đồng chí/Phá giặc xây cơ đồ".

Một số cụ cao niên cho hay, đây là cây thị "không có tuổi", trải qua hàng trăm năm, cây vẫn luôn giữ được một thế rất đẹp, nhiều đoạn cành lá sum suê, uốn lượn. Có rất nhiều đoàn người ở các địa phương khác từ Hà Nội, Thanh Hóa, Ninh Bình... đã về đây chụp hình lưu niệm, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của "cây thị ăn thề".

Chị Thanh (người dân xóm Kim Sơn II, xã Sơn Phúc) thông tin hiện tại mọi người trong làng đều có ý thức giữ gìn quét dọn, bảo quản đền thờ và cây thị. "Thỉnh thoảng tôi thường hay kể cho con nghe về truyền thuyết của cây thị, đó cũng như là một cách dạy lịch sử, giáo dục truyền thống của cha ông", chị Thanh nói.

Cứ vào dịp lễ Tết, ngoài thắp hương ở đền thờ, người dân còn thắp hương xung quanh gốc cây thị. "Hiện đền thờ gốc thị sử tích đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Sắp tới chúng tôi đang ý định bàn bạc với các ban ngành huyện Hương Sơn để làm hồ sơ đề nghị công nhận cây thị cổ là cây di sản", ông Lê Bá Hạnh, Phó giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh nói.

Đức Hùng