Thứ ba, 19/3/2024
Chủ nhật, 16/9/2018, 10:44 (GMT+7)

Bên trong dinh thự gần 150 tuổi của tổng lãnh sự Pháp ở TP HCM

Tổng lãnh sự Pháp mở cửa cho công chúng vào thăm dinh thự gần 150 tuổi, nơi lưu giữ và bảo tồn nhiều di sản văn hóa Việt Nam.

Ngày 15/9, nhân dịp ngày hội di sản châu Âu, Tổng lãnh sự quán Pháp mở cửa dinh thự rộng 1,5 ha tại số 6, đường Lê Duẩn cho công chúng vào tham quan. Được xây dựng vào năm 1872, tòa dinh thự nằm ở giữa trung tâm lịch sử của thành phố, lúc đầu dành cho thống đốc quân đội của thuộc địa, sau đó cho chỉ huy cấp cao của lực lượng vũ trang ở Nam Bộ, và dinh thự của Đại sứ Pháp vào thời Việt Nam Cộng hòa sau năm 1945. Từ năm 1975, nơi này là nơi ở của Tổng lãnh sự Pháp.

Tổng lãnh sự Vincent Floreani dẫn khách tham quan dinh thự. Ông giới thiệu bộ đồ dùng ăn bằng bạc có từ thời Napoleon Đệ Tam. Mỗi tổng lãnh sự khi sang Việt Nam nhậm chức sẽ mang theo một bộ đồ dùng bằng bạc như làm dấu ấn riêng.

Bức tranh của danh họa Nguyễn Gia Trí sáng tác năm 1939. Ông là một trong "tứ trụ" của làng tranh Việt Nam. Cùng thời với Tô Ngọc Vân, ông đã góp phần phát triển sơn ta lên thành nghệ thuật tranh sơn mài sánh ngang với Nhật Bản. Các tác phẩm của Nguyễn Gia Trí được coi là quốc bảo và bị cấm mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Tại Tổng lãnh sự Pháp, công chúng có cơ hội hiếm hoi tiếp cận với một tác phẩm của ông.

Bức tượng Chăm là bức tượng nguyên bản có giá trị nhất tại Dinh thự Tổng lãnh sự Pháp, được chế tác từ thế kỷ thứ 10. Mọi đồ vật bày trong tòa dinh thự đều được Bộ Ngoại giao Pháp thống kê vào lưu trữ. Khi tân tổng lãnh sự đến nhậm chức, ông phải mang theo danh sách đó để kiểm kê từng đồ vật.

Cầu thang là một trong những dấu ấn đặc biệt nhất của tòa dinh thự. Khi được xây dựng cách đây 150 năm, đây là nơi ở của một đô đốc hải quân. Hồi đó chính quyền Pháp tại Sài Gòn là chính quyền quân sự với đại diện tối cao là tư lệnh hải quân. Tòa nhà này do các kỹ sư hải quân xây dưng. Họ dùng vật liệu xây cầu thang từ một chiếc tàu chiến Pháp. Cầu thang làm bằng gang và được lắp rắp bằng các bu-lông, ốc vít. Do không dùng các mối hàn, cầu thang hoàn toàn có thể được tháo rời từng bộ phận, di chuyển và để lắp đặt tại chỗ khác.

"Ý nghĩa của ngày Di sản châu Âu là chúng tôi muốn người dân ý thức về di sản chung. Di sản không thuộc về riêng cá nhân một Tổng lãnh sự, Bộ Ngoại giao hay Tổng thống Pháp mà đó là di sản chung của tất cả mọi người", Tổng lãnh sự Vincent Floreani phát biểu với phóng viên.

"Dinh thự này luôn kín cổng cao tường, bình thường công chúng không dễ mà vào được. Với tôi, đây giống như một cái hang chứa đầy bí mật nên tôi cảm thấy vô cùng háo hức. Tòa nhà này chứng kiến đủ thứ chuyện trên đời. Hồi khoảng 10 tuổi, tôi đã đứng bên ngoài tòa nhà này, ngắm máy bay từ dưới bến Bạch Đằng lên Tân Sơn Nhất", ông Nguyễn Mạnh Cường, 73 tuổi, người dân sống ở đường Hai Bà Trưng, TP HCM. Ông cầm trên tay bức ảnh chụp năm 1952 những chiếc máy bay đi ngang Dinh thự Tổng lãnh sự Pháp.

Trần trong gian phòng ăn và khách lớn giữ được màu sắc nguyên bản. Trần chia ô lõm, bên trong mỗi ô trang trí bằng họa tiết gốm. 

Hai bức tượng Phật, bên dưới là đầu rắn Naga, phù điêu của người Chăm ở Việt Nam thế kỷ thứ X, đặt trong vườn Dinh thự. Vào năm 1960 khi người Pháp rút về nước sau thất bại ở Điện Biên Phủ, một người phụ nữ Pháp có địa vị ở Sài Gòn, do không muốn hai bức tượng Phật bị mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, đã tặng lại cho lãnh sự quán. Dưới hai bức tượng có hai bát hương là do các nhân viên người Việt Nam làm việc tại lãnh sự quán đặt, các tổng lãnh sự Pháp không theo Phật giáo nhưng hoàn toàn tôn trọng tín ngưỡng của các nhân viên người Việt.

"Tôi thấy điều đáng quý ở đây là các giá trị văn hóa rất được trân trọng, không phân biệt văn hóa đế quốc hay văn hóa thuộc địa. Người Pháp quan niệm văn hóa là không có biên giới và văn hóa là bình đẳng", theo Phó GS, TS Trần Hoài Anh tại trường đại học Văn hóa TP HCM.

Cuối khu vườn trong dinh thự là ba tấm bia mộ. Một tấm khắc hình vầng trăng tượng trưng cho đạo Hồi, tấm thứ hai mang hình chữ thập của đạo Thiên Chúa giáo, và tấm thứ ba mang ngôi sao David của đạo Do Thái. Không phân biệt quốc tịch hay tôn giáo, tất cả những người từng tham chiến đều được tưởng niệm. Tinh thần đó được thể hiện trên tấm bia tưởng niệm với hàng chữ Nôm, chữ Pháp và chữ quốc ngữ.

Tổng lãnh sự Vincent Floreani trò chuyện cùng các em nhỏ đến Dinh thự tham quan và vẽ tranh. "Tòa dinh thự là một phần của quá khứ, một phần của di sản. Và chúng ta phải giữ gìn lịch sử và bảo vệ di sản cho các thế hệ tương lai", ông nói.

Ảnh: Tiến Thành