Thứ ba, 16/4/2024
Chủ nhật, 7/2/2016, 18:51 (GMT+7)

Độ dài một ngày trên các hành tinh thuộc hệ Mặt Trời

Độ dài của ngày phụ thuộc vào khoảng cách từ hành tinh tới Mặt Trời, thời gian hành tinh quay quanh Mặt Trời (chu kỳ quỹ đạo) và thời gian nó tự quay quanh trục (chu kỳ thiên văn).

Sao Thủy

Theo Business Insider, sao Thủy là hành tinh gần Mặt Trời nhất. Chu kỳ thiên văn của sao Thủy dài bằng 58 ngày trên Trái Đất. Tuy nhiên, nó chỉ mất 88 ngày để hoàn thành chu kỳ quỹ đạo. Do đó, trên sao Thủy, một năm chỉ dài 1,5 ngày. Hơn nữa, cực Bắc của nó luôn nằm trong bóng tối do trục nghiêng 0,034°. Khí hậu trên sao Thủy không phân mùa.

Sao Kim

Sao Kim là hành tinh thứ hai trong hệ Mặt Trời. Đây là hành tinh chuyển động chậm nhất. Vận tốc quay của sao Kim là 6,5 km/h. Do đó, chu kỳ thiên văn của sao Kim dài 243 ngày. Chu kỳ quỹ đạo của nó là 224 ngày. Vì vậy, về cơ bản, một ngày trên sao Kim dài hơn một năm.

Trái Đất

Chu kỳ thiên văn chính xác của Trái Đất là 23 giờ 56 phút 4,1 giây. Vì vậy, một ngày trên Trái Đất thực sự chỉ bằng 0,997 ngày chuẩn. Độ dài một ngày trên Trái Đất còn biến đổi theo mùa do độ nghiêng của trục Trái Đất (23,4°). Tại hai cực, một đêm có thể dài đến 6 tháng vào mùa đông trong khi mùa hè có thể chỉ dài 24 giờ.

Sao Hỏa

Một ngày trên sao Hỏa khá giống với một ngày trên Trái Đất. Về cơ bản, sao Hỏa mất 24 giờ 37 phút 22 giây để hoàn thành chu kỳ thiên văn. Một ngày trên sao Hỏa tương đương 1,025957 ngày Trái Đất. Độ dài ngày theo mùa của sao Hỏa giống với Trái Đất do trục nghiêng 25,19°. Ngày dài hơn vào mùa hè và ngắn hơn vào mùa đông. Vì sao Hỏa nằm xa Mặt Trời, một năm trên sao Hỏa tương đương với khoảng 2 năm trên Trái Đất.

Sao Mộc

Là hành tinh lớn nhất hệ Mặt Trời nhưng một ngày trên sao Mộc chỉ dài 9 giờ 55 phút 30 giây, tương đương 1/3 ngày Trái Đất. Ngày trên Sao Mộc ngắn như vậy vì hành tinh khí khổng lồ này quay rất nhanh tại xích đạo, với vận tốc 45.300 km/h. Trong một năm trên sao Mộc, chu kỳ hoạt động của Mặt Trời lặp lại khoảng 10,476 lần.

Sao Thổ

Vận tốc quay của sao Thổ là 9,87 km/giây. Chu kỳ thiên văn của nó dài 10 giờ 33 phút, tương đương 1/2 ngày Trái Đất. Chuyển động nhanh của sao Thổ gây ra nhiều siêu bão trên hành tinh này. Chu kỳ quỹ đạo của sao Thổ dài 24,491 ngày trên hành tinh này, hay 10,759 ngày trên Trái Đất. Giống như sao Mộc, khí quyển của sao Thổ tại các vĩ độ khác nhau có tốc độ quay khác nhau.

Sao Thiên Vương

Sao Thiên Vương có chu kỳ thiên văn là 17 giờ 14 phút 24 giây, tương đương 0,71833 ngày trên Trái Đất. Tuy nhiên với độ nghiêng 97,77 °, sao Thiên Vương có những biến đổi ngày tháng rất phức tạp. Một cực trải qua mùa hè có ngày dài 42 năm, trong khi cực còn lại trải qua mùa đông với đêm dài 42 năm. Do đó, có thể nói một ngày trên sao Thiên Vương dài bằng 84 năm trên Trái Đất. 

Sao Hải Vương

Chu kỳ thiên văn của sao Hải Vương là 6 phút 36 giây, tương đương 0,6713 ngày trên Trái Đất. Chu kỳ quay của từ trường sao Hải Vương có là 16,1 giờ, trong khi chu kỳ quay của vùng xích đạo là 18 giờ. Các vùng cực có chu kỳ quay nhanh nhất, 12 giờ. Ngoài ra, do trục nghiêng 28,32° của sao Hải Vương, khí hậu trên sao Hải Vương có sự phân mùa. Mùa trên sao Hải Vương dài bằng 40 năm trên Trái Đất. 

Thùy Dương (Ảnh: Wikipedia)