Thứ tư, 24/4/2024
Thứ năm, 2/6/2016, 02:00 (GMT+7)

Sức sống của trẻ em Việt Nam thời chiến

Lớn lên cùng bom đạn chiến tranh, bài học đầu tiên của trẻ em Việt Nam thời chiến là đào hầm trú ẩn, giao thông hào, bện mũ rơm đi học, nuôi gà làm kế hoạch nhỏ, làm gậy Trường Sơn tặng đàn anh lên đường chiến đấu...

Triển lãm ảnh Trẻ em thời chiến giới thiệu gần 100 bức ảnh ghi lại cảnh sinh hoạt, học tập, lao động sản xuất của trẻ em Việt Nam thời kháng chiến. Ảnh trưng bày tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong chương trình Hội sách thiếu nhi 1/6 do thành phố Hà Nội tổ chức.

Chiến tranh xảy ra, bài học đầu tiên của học sinh là đào hầm trú ẩn, giao thông hào, bện mũ rơm đi học. Để đảm bảo an toàn, các trường học phân tán lớp ra nhiều địa điểm, mỗi điểm đều có hệ thống hầm hào để tránh bom đạn.

Học sinh, trẻ em thành phố sơ tán về nông thôn. Không điện, không có bố mẹ ở bên…, những đứa trẻ dần học cách thích nghi với cuộc sống thời chiến.

Các lớp học được tổ chức ở mọi nơi, sân kho hợp tác xã, nhà dân... Ngôi trường bị đổ nát vì bom đạn cũng không ngăn cản được bước chân học trò tới lớp. Lớp 3 góc này, lớp 5 học ở góc kia, ngăn cách giữa các lớp học là bức tường sụp dở vì sức ép của bom. 

Trong bom đạn, những "thần đồng" như Nguyễn Ngọc Ký, Đặng Thái Sơn, Trần Đăng Khoa lần lượt trưởng thành. Nguyễn Ngọc Ký (Hải Hậu, Nam Định) bị liệt hai tay từ nhỏ, dùng hai chân tập viết chữ thay đôi bàn tay. Học giỏi, thơ hay, sau này Nguyễn Ngọc Ký đã tốt nghiệp khoa Văn, Đại học Tổng hợp và trở thành thầy giáo dạy cho hàng nghìn học trò giỏi văn quê nhà.

Nét mặt chăm chú của học trò khi nghe giảng. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn từng cảm nhận "Ngày ấy, thời ấy khó cũ. Tôi thèm soi lại nét thơ dại của mình xưa vào những khuôn mặt đẹp đẽ như những tấm gương trong trên từng tấm ảnh".

Ngoài nhiệm vụ học tập, trẻ em thời chiến còn góp sức không nhỏ vào công cuộc kháng chiến với các phong trào Kế hoạch nhỏ, Nghìn việc tốt... Trong ảnh là thiếu nhi làm gậy Trường Sơn tặng cho bộ đội chuẩn bị lên đường nhập ngũ.

Giáo viên và học sinh trường phổ thông cấp 2 Hoa Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) đào giao thông hào và đắp lũy đất xung quanh lớp học.

Thực hiện phong trào kế hoạch nhỏ, nuôi gà bán cho hợp tác xã.

Bom đạn không át được tiếng cười đùa của trẻ thơ chạy nhảy trên đường làng ở Đông Anh (Hà Nội). Trên chòi cao dựng ở ngọn cây là dân quân trực chiến, kịp thời báo động khi có máy bay.

Nụ cười của học trò bên hầm chữ A - loại hầm được dựng lên từ rơm và đất, khá kiên cố để tránh bom.

Tết trung thu thời chiến vẫn đầy đủ đèn ông sao và bánh kẹo cho trẻ em.

Ở những vùng chiến sự ác liệt như mặt trận Tây Nguyên, mặt trận Đông Nam Bộ... nhân dân cùng bộ đội kháng chiến còn trẻ em vẫn sinh hoạt, đến trường. Bức ảnh ghi lại một buổi học hát của thiếu nhi Tây Nguyên.

Lớp học dã chiến tại xóm Kinh Hảng, xã Khánh Hưng (Trần Văn Thời, Cà Mau) vào năm 1970 - thời điểm chiến tranh đến hồi ác liệt nhất. Nhìn vào những tấm hình cũ, bà Nguyễn Thị Nhạn, giáo viên dạy Văn về hưu ở Hà Nội bồi hồi nhớ lại ngày bom Mỹ rải phố Khâm Thiên, bà cùng chị gái phải tản cư lên Hà Bắc (Bắc Giang, Bắc Ninh ngày nay). "Những đứa trẻ lớn lên trong bom đạn ngày ấy có lẽ giờ đã lên ông, lên bà gần hết. Chúng tôi lớn lên như những mầm non trong gió bão, mặc gian khó cũng không thể dập vùi. Trẻ em bây giờ cũng nên biết và xem lại những bức hình này. Nhắc lại không phải để so sánh thời nào khổ hơn, mà để thấy trẻ em Việt Nam thời nào cũng vậy, luôn vượt khó và tràn đầy lạc quan", bà nói. Triển lãm sẽ kéo dài đến hết ngày 5/6.

Phương Hòa - Ngọc Thành