Thứ sáu, 19/4/2024
Thứ hai, 4/9/2017, 00:00 (GMT+7)

Giáo viên đến từng nhà thuyết phục học sinh tới trường

Ngày khai giảng cận kề, hàng chục thầy cô ở Điện Biên tỏa đi khắp nơi để vận động học sinh trở lại trường.

Trước ngày khai giảng 5/9, hàng chục thầy cô trường THCS và Tiểu học bán trú Pá Mỳ (Mường Nhé, Điện Biên) lại tỏa đi các bản vận động học sinh đến lớp. Xã Pá Mỳ có 10 bản, xa nhất là nhóm bản Huổi Súc cách trung tâm xã gần 40 km.

Đường tới các bản hầu hết là đắp đất, mưa thì sạt lở, nhão nhoét, thầy cô phải rất chắc tay lái. 

"Khai giảng năm học mới cũng là mùa thu hoạch ngô nên nhiều em về nghỉ Quốc khánh dài ngày, phụ giúp bố mẹ đi nương, rồi ở nhà luôn. Giáo viên nơi đây phải đi bắt học trò. Gần như tuần nào cũng phải đi", thầy Phạm Xuân Tuyến, Hiệu trưởng trường Tiểu học Pá Mỳ chia sẻ.

Tiểu học Pá Mỳ có 10 điểm trường lẻ. Điểm Huổi Lụ 2 cách trường trung tâm hơn 20 km. Men theo con đường mòn bên sườn núi, nhiều đoạn không đi được xe máy, giáo viên phải đi bộ hàng giờ để đến từng gia đình.

Nhiều học sinh khi thấy giáo viên đến còn có ý trốn. Từ THCS trở lên, các em đã trở thành lao động chính trong gia đình, hàng ngày lên nương rẫy trồng cây. Làm việc vất vả, nhiều em ngại đến lớp, muốn bỏ học. 

Được cô giáo thuyết phục, anh Trần Quầy Mềnh ở bản Huổi Nụ cam kết ngày mai sẽ cho con gái lớn xuống trường sớm để chuẩn bị khai giảng. Anh Mềnh có sáu người con, hai con gái lớn phải thường xuyên về nhà phụ giúp gia đình vào dịp cuối tuần và những ngày nghỉ lễ. 

Địa bàn phần lớn là đồng bào người Mông và người Dao, sống không tập trung nên việc đến từng nhà vận động có khi mất cả ngày. Cô Ngô Thị Quỳnh Hoa (người Lạng Sơn) có tám năm công tác tại trường coi việc đi vận động học sinh như công việc hàng ngày.

"Sáu năm giảng dạy tại trường, mưa nắng tôi đều phải đi hàng chục cây số đến từng gia đình có học sinh nghỉ học. Trước kia mới lên trường luôn nghĩ đi vận động học sinh là một đặc sản, giờ việc này phải làm thường xuyên", thầy giáo Lù Văn Việt (quê ở thành phố Điện Biên) công tác tại trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Pá Mỳ cho biết.

Việc vận động học sinh không phải lúc nào cũng suôn sẻ, nhiều gia đình không muốn con đến trường bởi đi học thì mất lao động chính. 

So với học sinh THCS, các bé tiểu học đến lớp đông đủ hơn, do chưa phải lao động. Học sinh được hỗ trợ bán trú, nên chỉ phải mang 1-2 bộ quần áo đến trường. "Ngày khai giảng con chỉ mong có sách mới, áo mới, dép mới thôi", em Trần Duần Ên (7 tuổi) ở bản Huổi Nụ 2 nói.

Ngọc Thành