Thế giới
Thứ sáu, 21/4/2017, 09:59 (GMT+7)

Dạo quanh sân bay Bình Nhưỡng

Sản phẩm của tập đoàn Air Koryo lấp đầy các kệ hàng hóa, đội taxi và trạm xăng ngoài sân bay đều mang thương hiệu của hãng hàng không quốc gia Triều Tiên.

Dạo quanh sân bay Bình Nhưỡng
 
 

Khung cảnh vắng vẻ ở sân bay quốc tế Bình Nhưỡng.

Một gian hàng bày bán đồ uống ở sân bay Bình Nhưỡng hôm 11/4.

Hãng hàng không quốc gia Air Koryo thuộc sở hữu của không quân Triều Tiên đã mở rộng kinh doanh sang các sản phẩm tiêu dùng trong những tháng gần đây, theo nhận xét của du khách tới quốc gia bị cô lập này. 

Nước ngọt bày bán ở sân bay Bình Nhưỡng.

Theo Reuters, không rõ việc đa dạng hóa thị trường nội địa này có liên quan tới việc cắt giảm nhiều tuyến bay quốc tế do lệnh trừng phạt kinh tế của Liên Hợp Quốc đối với chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên hay không.

Các sản phẩm đều mang logo Air Koryo với bao bì bắt mắt.

Washington đang cân nhắc các biện pháp trừng phạt mạnh hơn, bao gồm lệnh cấm toàn cầu với Air Koryo để trừng phạt Triều Tiên vì vẫn tiếp tục thử nghiệm vũ khí, theo lời quan chức Mỹ.

Tuy nhiên, cho dù Mỹ có áp dụng biện pháp nào đối với Air Koryo, nếu không được Trung Quốc và Nga đồng ý, thì cũng không có hiệu lực ràng buộc với những quốc gia khác. Từ trước tới nay, Trung Quốc và Nga đều tìm cách đưa ra ngoại lệ đối với các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc lên Triều Tiên.

"Trung Quốc có thể đồng ý ban lệnh cấm Air Koryo vì dường như Washington và Bắc Kinh đã đạt được thỏa thuận chung rằng cần phải có biện pháp xử lý Bình Nhưỡng. Có điều, câu hỏi đặt ra là liệu Nga có đồng ý với những lệnh trừng phạt lên Air Koryo không", Sun Xingjie, phó giáo sư đại học Cát Lâm, Trung Quốc, nhận xét.

Hành khách ngồi trên xe buýt di chuyển ra máy bay hôm 18/4.

Về phía Triều Tiên, phóng viên nước ngoài hiếm khi tiếp cận được quan chức nước này, cũng như không thể có được câu bình luận nào từ Air Koryo hay chính phủ.

Air Koryo hiện có đường bay tới Bắc Kinh và ba thành phố khác ở Trung Quốc, một đường bay tới Vladivostok ở Nga. Đường bay tới Bangkok, Kuala Lumpur và Kuwait đã bị đóng lại năm ngoái nhưng tháng trước, hãng hàng không quốc gia Triều Tiên lại mở thêm đường bay mới từ Bình Nhưỡng tới Đan Đông, Trung Quốc, điểm trung chuyển thương mại chính giữa hai nước.

 

Hành lang kính phản chiếu hình ảnh của một máy bay Air Koryo.

Air Koryo có 15 máy bay, đều là máy bay của Nga hoặc Ukraine chế tạo, được tiếp nhiên liệu, bảo trì và thay thế linh kiện tại Nga và Trung Quốc, theo cơ sở dữ liệu bay của Liên Hợp Quốc.

Hành khách chuẩn bị lên chiếc Antonov An-148-100B tại phi trường Bình Nhưỡng hôm 18/4.

Hãng này mở một số đường bay nội địa kết nối thủ đô Bình Nhưỡng với Orang, Sondok và Samjiyon. Vì hãng không công bố hay chia sẻ bất kỳ thông tin nào về chi phí hay lợi nhuận nên không thể xác định hiệu quả của bất kỳ lệnh trừng phạt nào đang áp dụng và có thể áp dụng trong tương lai.

Phi cơ chờ khách ở sân bay Bình Nhưỡng.

Du khách tới Triều Tiên cho rằng, tập đoàn Air Koryo thuộc sở hữu của không quân Triều Tiên rõ ràng đang mở rộng kinh doanh. Năm 2015, tập đoàn này đã cho ra đời đội taxi mới, thường chạy trên các tuyến đường ở thủ đô Bình Nhưỡng cạnh ít nhất xe taxi của 8 công ty nhà nước khác. 

Sản phẩm côla và thuốc lá của Air Koryo cũng được giới thiệu tại các cửa hàng khắp Bình Nhưỡng.

Theo ông Simon Cockerell, đại diện hãng du lịch Koryo Tours có trụ sở tại Bắc Kinh, đơn vị tổ chức tour du lịch tới Triều Tiên, Air Koryo mới bước vào thị trường nước giải khát cuối năm ngoái.

Ngoài ra, tập đoàn này bắt đầu kinh doanh xăng dầu bán lẻ vào tháng một năm ngay. 

"Họ có ít nhất một cửa hàng xăng tại Bình Nhưỡng, có thể bây giờ là hai", ông Cockerell nói. "Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu thị trường ngày càng có nhiều sản phẩm của Air Koryo hơn".

Liên Hợp Quốc không áp lệnh trừng phạt lên Air Koryo, mặc dù hãng này bị cáo buộc buôn lậu hàng cấm. Máy bay dân dụng được miễn trừ lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc về xuất khẩu nhiên liệu bay tới Triều Tiên khi tiếp nhiên liệu ở nước ngoài. 

Trong khi đó, các quan chức tại sân bay Bình Nhưỡng nói rằng họ không quan tâm đến bất kỳ nỗ lực nào của cộng đồng toàn cầu nhằm tăng cường biện pháp trừng phạt có thể nhằm trực tiếp vào Air Koryo. 

Giáo sư Kim Yong-huyn nhận định bất kỳ lệnh trừng phạt nào với Air Koryo đều chỉ mang tính tượng trưng mà không hề có tác dụng.

"Nó sẽ không gây ảnh hưởng lớn tới kinh tế Triều Tiên", ông Kim nói. "Air Koryo không phải là 'hộp đôla' (nguồn thu ngoại tệ chủ yếu)".

Hồng Hạnh (Ảnh: Reuters)