Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ ba, 4/4/2017, 10:36 (GMT+7)

Chợ thịt khỉ, rắn, chuột, dơi và trăn ở Indonesia

Các nhà bảo vệ động vật thuyết phục người dân đảo Sulawesi chấm dứt ăn thịt khỉ - loài nguy cấp nhưng lại là món khoái khẩu của người dân địa phương.

Con khỉ thui nằm giữa sạp thịt lợn rừng.

Loài khỉ trên đảo Sulawesi có tên khoa học là Macaca nigra, một trong những loài động vật hoang dã phân bố chủ yếu tại Indonesia, bao gồm cả đười ươi và hổ, những loài đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng vì nạn săn trộm và thu hẹp môi trường sống do phá rừng.

"Ở một số vùng, loài khỉ đối mặt nguy cơ tuyệt chủng vì môi trường sống bị thu hẹp", Yunita Siwi, giám đốc tổ chức bảo vệ linh trưởng Selamatkan Yai trao đổi với AFP. "Nhưng ở đây, môi trường sống của chúng còn bị thu hẹp hơn vì người dân thích ăn thịt khỉ".

Thịt khỉ là món khoái khẩu của người Minahasan, cộng đồng Cơ Đốc giáo lớn tại đất nước Hồi giáo Indonesia. Họ thích ăn những loại thịt lạ như khỉ, trăn, dơi, chuột và không có khái niệm về việc bảo tồn động vật hoang dã.

Ngoài khỉ và lợn rừng, trên sạp còn bày bán thịt trăn.

"Tôi thích ăn thịt khỉ, nó rất đậm đà, giống vị lợn rừng hay thịt chó", Nita, một người dân địa phương 32 tuổi nói. 

Trong ngôi chợ ở thành phố Tomohon bày bán đủ loại động vật kỳ lạ đã được thui kỹ, làm sạch. Những con khỉ bị thui đen đặt giữa hàng thịt dơi thui, trăn, chó và chuột.

 

Một người bán hàng đang sắp xếp lại chỗ thịt khỉ.

Khỉ và một số loài động vật khác bày bán trong khu chợ nằm trong danh sách bảo vệ của luật pháp Indonesia. Chính quyền đã nhiều lần kiểm tra đột xuất khu chợ và xảy ra xô xát với người bán hàng. Tuy nhiên, nạn săn bắn và buôn bán động vật kỳ lạ vẫn không ngừng phát triển tại đây, thậm chí một số công ty du lịch dùng nó làm chiêu thu hút các du khách ngoại quốc ưa mạo hiểm.

Một người bán hàng rong đi quanh chợ rao thịt chuột thui.

Nhu cầu thịt khiến các thợ săn người Minahasan đi xa hơn và sâu hơn vào các khu vực hẻo lánh trên đảo, tìm bắt khỉ. 

Số lượng khỉ Macaca nigra trong tự nhiên ở Sulawesi đã giảm hơn 80% sau 4 thập kỷ, từ mật độ 300 con/km2 năm 1980 xuống 45 con/km2 năm 2011. Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế đã xếp loài khỉ này vào nhóm nguy cấp. 

Người bán hàng lấy thịt dơi cho khách trong khu chợ thành phố Tomohon. 

Ngoài việc bị săn bắn làm thức ăn, loài khỉ ở Sulawesi còn bị đe dọa bởi mất môi trường sống tự nhiên do con người mở rộng các khu định cư và khai hoang đất trồng trọt. 

Một người phụ nữ đang chọn mua thịt dơi.

Số lượng khỉ sụt giảm đã khiến cơ quan bảo vệ động vật hoang dã địa phương và các nhà vận động mở chiến dịch bảo vệ. Tại các khu chợ và khu nghỉ dưỡng, họ dựng biển thuyết minh khỉ là loài nằm trong danh sách bảo vệ và cảnh báo người săn bắn khỉ có thể bị phạt tù 5 năm.

Một người bán thịt trăn đang bày hàng.

Các tổ chức phi chính phủ và chính quyền địa phương đã đẩy mạnh giáo dục ý thức bảo tồn thiên nhiên, bao gồm khỉ Macaca nigra trong nhà trường.

Siwi cho biết, tổ chức của mình đã liên hệ với nhà thờ, kêu gọi linh mục thuyết giảng con chiên về tầm quan trọng của việc bảo vệ Trái Đất và các sinh vật nguy cấp như khỉ. 

Theo Stephan Lentey, giám đốc tổ chức phi chính phủ Dự án Bảo vệ Macaca Nigra, khỉ đóng vai trò quan trọng trong việc làm đa dạng sinh học. Chúng lang thang khắp rừng, phân tán hạt giống và khuyến khích sự phát triển của một số loài cây.

Các nhà vận động cảnh báo, nhu cầu thích ăn thịt động vật hoang dã là nguyên nhân chính đẩy các loài vật tới con đường tuyệt chủng.

Khỉ Macaca nigra ở Indonesia nguy cấp
 
 

Cuộc chiến sinh tồn của loài khỉ Macaca nigra ở Indonesia. Video: National Geographic

Hồng Hạnh (Ảnh: AFP)