Thứ năm, 28/3/2024
Thứ năm, 10/8/2017, 10:38 (GMT+7)

Bị cấm vận, Triều Tiên tăng cường sản xuất hàng hóa nội địa

Bị thắt chặt cấm vận, Triều Tiên duy trì guồng máy kinh tế bằng cách nội địa hóa nhiều mặt hàng, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.

Theo các du khách, hàng hóa nội địa của Triều Tiên khá phong phú, từ kem đánh răng vị cà rốt cho đến mặt nạ than tre, từ xe máy cho đến tấm pin năng lượng mặt trời, Reuters đưa tin. "So với đồ uống nhập khẩu từ nước ngoài, đồ uống do Triều Tiên sản xuất có vị thật của trái cây", giáo viên dạy thể dục 39 tuổi Kim Chul-ung nhận xét.

Trong hình, nữ nhân viên tại một cửa hàng bán lẻ khai trương hồi tháng 4 trong một khu dân cư mới xây ở Bình Nhưỡng.

Người mua hàng chọn giày tại một cửa hàng trên phố Ryomyong, thủ đô Bình Nhưỡng vào 13/4. Khách du lịch tới Triều Tiên cho biết nhiều mặt hàng tiêu dùng sản xuất nội địa, từ đồ trang điểm cho đến nước uống, được in mã vạch. Các cửa hàng tỏ ra cạnh tranh hơn, tiếp thị hàng hóa nhiều hơn, ví dụ mời khách hàng dùng thử sản phẩm, khái niệm mà mới chỉ 5 năm trước đây, không tồn tại ở đất nước này.

Một phụ nữ bán đồ ăn vặt ở khu trung tâm ở thủ đô Bình Nhưỡng. Triều Tiên đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ thu hút 2 triệu khách du lịch nước ngoài.

Công nhân tại nhà máy sản xuất dây cáp điện 326 ở Bình Nhưỡng. "Khoảng năm 2013, lãnh đạo Kim Jong-un bắt đầu nói về sự cần thiết tăng cường sản xuất nội địa để thay thế hàng nhập khẩu", theo Andray Abrahamian của Choson Exchange, một công ty có trụ sở ở Singapore cung cấp các khóa đào tạo kỹ năng kinh doanh cho người Triều Tiên.

"Rõ ràng (chính phủ Triều Tiên) nhận thấy có quá nhiều mặt hàng phải nhập khẩu từ Trung Quốc, không chỉ hàng hóa cao cấp mà cả hàng hóa tiêu dùng cơ bản như thực phẩm".

Công nhân Triều Tiên bốc xếp xi măng bên bờ sông Yalu, nằm ở biên giới Trung Quốc và Triều Tiên. 

Hãng hàng không Air Koryo do quân đội điều hành mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực sản xuất đồ uống, thuốc lá, dịch vụ taxi và bán lẻ xăng dầu. Trong hình, nữ nhân viên đang bày đồ uống tại gian hàng ở sân bay Bình Nhưỡng.

Nông dân trên cánh đồng lúa ở đảo Hwanggumpyong, nằm trên lưu vực sông Yalu, gần biên giới với Trung Quốc. 

Một trang trại cá ba sa ở thủ đô Bình Nhưỡng.

Một chiếc xe Mercedes-Benz đỗ bên ngoài Cung Văn hóa Nhân dân. "Chúng tôi thấy ngày càng nhiều sản phẩm sản xuất nội địa, như xe máy, tấm pin năng lượng mặt trời và thực phẩm, nhưng (Triều Tiên) vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc để nhập khẩu nguyên liệu sản xuất các mặt hàng trên", chuyên gia Abrahamian nói.

Người dân vui chơi ở công viên nước Munsu.

Một người đàn ông thử chiếc máy bay điều khiển từ xa vừa mua trong trung tâm thương mại Pothonggang, Bình Nhưỡng.

Taxi đỗ trước cửa một trung tâm thương mại ở Bình Nhưỡng.

"Giả dụ một thị trấn khai thác than với 10.000 người, họ đều ít nhiều làm việc liên quan đến ngành công nghiệp than. Lệnh trừng phạt nhắm vào ngành than của Triều Tiên thì thị trường tiêu dùng ở thị trấn đó cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề vì người dân không có tiền để mua bán gì cả", ông Abrahamian nhận xét về lệnh trừng phạt kinh tế mà các nước phương Tây dùng để ép Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.

An Hồng (Ảnh: Reuters)