Hàng trăm rùa mai mềm con được thả xuống sông Mekong. Video: AFP
Rùa mai mềm khổng lồ châu Á (Pelochelys cantorii), còn được gọi là rùa mai khổng lồ Cantor hay rùa mặt ếch, từng phân bố rộng khắp Đông Nam Á, trong đó có cả Việt Nam, nhưng đã suy giảm đến mức "tưởng như tuyệt chủng" do nạn săn trộm và buôn bán bất hợp pháp, cho đến khi được tái phát hiện ở Campuchia vào năm 2007.
Trong nỗ lực hồi sinh loài từ bờ vực tuyệt chủng, Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã (WCS) hôm 23/5 đã phối hợp với Campuchia để thả 580 rùa con xuống sông Mekong, đoạn chảy qua tỉnh Kratié ở miền đông nước này. Những cảnh quay cho thấy chúng được các nhà sư ban phước trước khi phóng thích.
Những sinh vật này nằm trong số 982 con rùa non mới nở từ hơn 2.000 quả trứng được WCS và Cục Quản lý Nghề Cá Campuchia thu thập và ấp trong năm nay. Các nhà bảo tồn hy vọng số còn lại cũng sớm nở trong thời gian tới. Năm ngoái, họ cũng thả khoảng 1.300 con non vào tự nhiên.

Rùa mai mềm khổng lồ châu Á trưởng thành. Ảnh: Wikipedia
Việc thu thập và ấp trứng nhân tạo sẽ giúp hạn chế nạn săn trộm và tăng tỷ lệ sinh sản thành công của rùa. Ken Sereyrotha, Giám đốc chương trình quốc gia của WCS Campuchia cho biết nước này đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong các nỗ lực bảo tồn nhưng vẫn cần hành động nhiều hơn nữa. "Rùa mai mềm khổng lồ châu Á đang bị đe dọa bởi nạn săn bắt và buôn bán trái phép", Sereyrotha nhấn mạnh.
Với chiều dài có thể đạt 200 cm, rùa mai mềm khổng lồ châu Á là loài rùa nước ngọt lớn nhất thế giới còn tồn tại. Chúng dành phần lớn thời gian vùi mình trong cát và nước, chỉ nổi lên hai lần một ngày để thở. Vào mùa sinh sản, thường vào tháng 2 hoặc tháng 3, mỗi con cái có thể đẻ 20 - 28 quả trứng trên các bãi sông.
Đoàn Dương (Theo AFP)