![]() |
Hóa đơn thanh toán tổng cộng 159 USD anh Quang phải trả cho phí khám, chụp phim. Ảnh: NVCC. |
Trưa 14/1, anh Quang đến phòng khám Family Medical Practice trên phố Kim Mã (Ba Đình, Hà Nội) hỏi về phí dịch vụ, nhân viên ở đây cho biết hết 69 USD tiền khám, riêng chụp phim giá từ 40 đến 50 USD trở lên, tùy loại. Sau khi hoàn tất khám và chụp phim, anh Quang được nhân viên đưa hóa đơn là 159 USD bao gồm 69 USD tiền khám và 90 USD chụp phim. Số tiền này quy đổi sang VND là gần 3,35 triệu đồng (tỷ giá khoảng 21.035 đồng một USD).
Khách hàng này phản ánh với VnExpress.net, khi đề nghị dùng thẻ American Express do Vietcombank phát hành để thanh toán bằng VND, anh bị từ chối. Anh kể lại, nhân viên nói phòng khám chỉ chấp nhận thanh toán bằng USD với thẻ American Express vì chỉ có tài khoản thu đôla. Riêng tiền đồng có thể thu được từ một máy POS của ngân hàng khác và cần có mã PIN. "Với một mức phí không hề thấp, phòng khám lại ép buộc khách hàng thanh toán bằng ngoại tệ rõ ràng đã vi phạm các quy định về quản lý ngoại tệ của Việt Nam", anh Quang bức xúc cho biết.
Anh kể thêm, khi bày tỏ không muốn thanh toán bằng ngoại tệ, thì một người nước ngoài tại phòng khám cho biết anh có thể trả bằng tiền mặt. "Do không có tiền mặt, tôi buộc phải chấp nhận để phòng khám này thu phí bằng USD qua American Express", anh Quang nói. Ngay sau đó, mọi hóa đơn và chứng từ thanh toán được anh Quang lưu lại.
Trao đổi với VnExpress.net, đại diện phòng khám Family Medical Practice khẳng định, từ 20/10/2011, khi Nghị định 95 của Chính phủ có hiệu lực thi hành, đơn vị này đã chấm dứt niêm yết phí khám, giá dịch vụ bằng ngoại tệ. Trước đó, giá dịch vụ tại đây niêm yết song song bằng cả VND và USD.
![]() |
Bảng giá dịch vụ của phòng khám Family Medical Practice niêm yết bằng USD do anh Quang chụp lại ngày 14/1. Ảnh: NVCC. |
Về phản ánh nói trên của khách hàng, đại diện này cho hay chỉ là sự hiểu lầm ngoài ý muốn. Theo ông, tại phòng khám này, nếu không phải là các nhân viên làm trong bộ phận chuyên trách nắm được quy định niêm yết bằng đồng Việt Nam, thì một số người vẫn có thói quen báo giá bằng USD cho khách. Nguyên nhân là trước đây, đơn vị này song song niêm yết cả bằng VND và USD, nhưng báo giá bằng USD bao giờ cũng ngắn và dễ nhớ hơn VND nên tạo thành thói quen.
Lý giải cho việc hóa đơn của khách thanh toán bằng USD, Family Medical Practice cho biết đã có email gửi đến anh Quang để giải thích. Theo đại diện phòng khám, đó là sơ xuất của nhân viên. "Nhưng ngay sau đó, khi hóa đơn lên đến kế toán trưởng, chị này đã phát hiện ra nên thông báo hủy, không thanh toán bằng USD. Do đó, đến giờ phút này, khách hàng nói trên vẫn chưa thanh toán phí khám cho chúng tôi", đại diện phòng khám tiết lộ.
Tuy nhiên, chia sẻ với VnExpress.net, anh Quang bức xúc: "Tôi đã hoàn tất thanh toán qua thẻ bằng USD như họ yêu cầu, chứ không phải là chưa thanh toán. Việc hủy thanh toán và yêu cầu tôi thanh toán lại bằng VND sau đó là do họ tự làm".
Theo khách hàng này, sau khi thấy anh dùng điện thoại ghi lại bảng giá dịch vụ niêm yết bằng USD và hóa đơn thanh toán, hôm 16/1, phía phòng khám Family Medical Practice mới gửi email cho anh. Nội dung email thông báo phòng khám đã hủy bỏ hóa đơn thanh toán của khách hàng này, kèm các chứng từ liên quan một cách đơn phương. Anh cho rằng tấm bảng niêm yết bằng USD chỉ mới được gỡ bỏ, vì trước đó, ngày 14/1, anh vẫn ghi lại bảng giá bằng USD tại phòng khám này.
"Điều khiến tôi bức xúc là việc phòng khám tại lãnh thổ Việt Nam mà lại sử dụng đồng đôla Mỹ để giao dịch. Tất cả đều hiển thị trên hóa đơn rồi", anh Quang nói thêm. Khách hàng này cho biết sẵn sàng đối chất với phía Family Medical Practice về vụ việc này.
Theo lời nhân viên ngân hàng phát hành thẻ cho Family Medical Practice là Vietcombank, thẻ tín dụng American Express chấp nhận thanh toán bằng nhiều loại tiền, không chỉ USD và VND. Tuy nhiên, nếu phòng khám chỉ đăng ký thanh toán bằng USD thì họ sẽ khó chấp nhận cho khách trả bằng VND qua thẻ tín dụng của Vietcombank.
Nghị định 95 của Chính phủ về xử phạt vi phạm trong hoạt động tiền tệ và ngân hàng có hiệu lực thi hành từ 20/10/2011. Mức phạt cao nhất cho hành vi niêm yết giá bằng ngoại tệ lên tới 500 triệu đồng. Từ khi có hiệu lực, đã có ít nhất 5 đơn vị bị xử phạt vì việc mua bán, niêm yết giá bằng USD. Gần đây nhất, Sofitel Metropole, với việc niêm yết thực đơn bằng USD, đã bị phạt 500 triệu đồng. Sau đó, có thêm một doanh nghiệp tư nhân và một cửa hàng vàng tại phố Hà Trung (Hà Nội) bị phạt 100 triệu đồng mỗi đơn vị vì mua bán ngoại tệ trái phép. |
Tuệ Minh
* Tên nhân vật đã thay đổi