Chỉ số công nghiệp Dow chốt 12.501,11 điểm, giảm 277,04 điểm, làm dài thêm chuỗi ngày tụt dốc với tốc độ 3 con số của hàn thử biểu nhóm ngành công nghiệp. Standard & Poor's 500 cũng không thoát khỏi thảm cảnh chung, để mất 35,3 điểm, tương đương 2,49% xuống 1.380,95 điểm. Còn Nasdaq giảm 60,71 điểm, chốt 2.417,59 điểm.
Tính chung toàn sàn giao dịch New York, cứ 1 cổ phiếu tăng giá thì có tới 3 mất giá. Nhà đầu tư đua nhau bán tháo khiến lượng giao dịch tăng vọt từ mức 3,51 tỷ đơn vị hôm thứ 2 lên 4,42 tỷ đơn vị.
Một nhà đầu tư tại sàn New York hôm 15/1. Ảnh: AP |
Hôm thứ hai, sau chuỗi ngày đi xuống liên tiếp, thị trường chứng khoán Mỹ bất ngờ khởi sắc khi có một số thông tin tốt lành về tình hình kinh doanh của các tập đoàn lớn. Tuy nhiên, phiên lao dốc hôm qua đã xóa sạch nỗ lực vượt cạn này, dù giá dầu thô đã giảm khá mạnh, 2,30 USD xuống còn 91,9 USD mỗi thùng.
Chỉ tính 10 phiên giao dịch đầu tiên của năm mới, Dow mất 5,76%, S&P 500 giảm 5,95%, còn Nasdaq sụt tới 8,85%. Nếu so với đỉnh cao đạt được hồi tháng 10 năm ngoái, Dow Jones và S&P 500 đã giảm 12%. Về nguyên tắc, chỉ số chứng khoán giảm tới 10% so với đỉnh cao là một dấu hiệu cho thấy thị trường đang trải qua giai đoạn điều chỉnh.
Phiên điều chỉnh sâu hôm qua bắt nguồn từ mối lo ngại ngày càng tăng của giới đầu tư về nguy cơ kinh tế Mỹ suy thoái. Áp lực ngày một lớn khi Bộ Thương mại nước này công bố doanh số bán lẻ trong tháng 12 giảm mạnh, người dân càng dè dặt hơn trong chi tiêu.
Trong khi đó, bóng ma tín dụng dưới tiêu chuẩn vẫn hoành hành và các cơ quan chức năng dường như chưa tìm ra liều thuốc hữu hiệu để trị bệnh. Citigroup, ngân hàng lớn nhất Mỹ, hôm qua công bố có thể bị thiệt hại tới 18,1 tỷ USD vì cơn bão này. Ngay sau thông tin này, giá cổ phiếu của hãng giảm 7,6% xuống còn 26,85 USD. Hàng loạt cổ phiếu tài chính, ngân hàng khác cũng theo chân nhau lao dốc.
Các sàn chứng khoán thế giới cũng trong xu thế ảm đạm. Nikkei tại Nhật giảm 0,98%, FTSE 100 của Nhật giảm 3,06%, DAX của Đức giảm 2,14%.
Song Linh (theo AP)