Khởi đầu tuần trong xu thế giằng co, các chỉ số tổng hợp New York dao động trong biên độ hẹp do tâm lý thận trọng của nhà đầu tư. Đợt sóng giảm từ giữa phiên buổi sáng và kéo dài sang nửa đầu phiên giao dịch buổi chiều cuốn trôi 1,6% giá trị của chỉ số Dow và 1,8% của S&P. Sau khi thiết lập mức đáy, giới đầu tư Mỹ ào ạt giải ngân giữa những lạc quan về triển vọng xuất khẩu của các công ty sau khi đồng euro tăng giá trở lại, và mặt bằng giá chứng khoán đã xuống mức hấp dẫn.
Chốt lại phiên biến động mạnh, hầu hết các chỉ số cùng trở lại trạng thái tăng điểm và ghi nhận mức phục hồi tốt nhất trong ngày. Chỉ số Dow Jones Industrial đảo chiều tăng 5,67 điểm, lên 10.625,83 điểm. Cùng ghi nhận mức tăng 0,1%, hàn thử biểu Standard & Poor 500 đóng cửa ở 1.136,94 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite ghi thêm 0,3%, tiến lên ngưỡng 2.354,23 điểm. Thanh khoản phiên này tăng cao so với mức trung bình của tuần trước. Trên thị trường New York, biên độ dao động giữa số mã xanh, đỏ co hẹp về 3:2.
Chứng khoán châu Âu co hẹp biên độ điều chỉnh. Chỉ số tổng hợp 18 hàn thử biểu khu vực Eurozone DJ Stoxx 600 thoái lui 0,2%, xuống 248,09 điểm. Nhóm cổ phiếu ngành khai mỏ tiếp tục là lực cản cho sự đi lên của thị trường do giá dầu thô và kim loại đi xuống trong 2 tuần qua. Chốt phiên đã 7 thị trường đóng cửa với sắc xanh trên bảng điện tử. Chứng khoán Anh không thay đổi so với phiên cuối tuần trước. Trong khi đó, DAX 30 của Đức bật tăng 0,2%. Chứng khoán Pháp hạ 0,5%.
Sàn chứng khoán Trung Quốc lao dốc trên 5%, phong vũ biểu Shanghai Composite xuống mức thấp nhất trong hơn 1 năm, tại 2.559,9 điểm. Nhà đầu tư ào ạt bán tháo cổ phiếu giữa những quan ngại chính phủ sẽ mạnh tay thắt chặt dòng chảy tín dụng vào các thị trường tài sản như chứng khoán, bất động sản. Chỉ số tổng hợp MSCI giảm điểm với biên độ rộng nhất trong 6 tháng, xuống 116,6 điểm, âm 2,8%. Lo ngại xoay quanh cơn bão khủng hoảng nợ tại châu Âu tiếp tục đè nặng tâm lý các nhà đầu tư. Làn sóng tham gia bắt đáy có phần tích cực trong nửa đầu phiên buổi sáng cũng chỉ giúp các chỉ số dao động giằng co.
Chứng khoán Nhật Bản hạ 2,2% bất chấp việc nền kinh tế đầu tàu khu vực châu Á đang phát đi những tín hiệu hồi phục hết sức rõ nét từ vùng đáy của cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Hôm qua, văn phòng Thủ tướng Yukio Hatoyama cho biết, số đơn đặt hàng máy móc trong tháng 3 tăng 5,4%, vượt xa mức 3,8% của tháng 2.
Ở châu Đại Dương, chỉ số S&P ASX 200 của Australia trượt mạnh 3,1%. Các thị trường trải dài từ Hàn Quốc, sang Đài Loan, Hong Kong cùng mất điểm trong biên độ từ 2,6% đến 2,1%. Chứng khoán Ấn Độ và Singapore lần lượt hạ 0,9% và 0,8%.
Nguyễn Hùng