Hôm qua Dow Jones mất thêm 157 điểm, đưa số điểm sụt giảm trong tuần lên hơn 817. Ở đầu phiên giao dịch, thị trường tăng điểm một cách hứng khởi và lấy lại trên 310 điểm ngay khi các nghị sĩ bỏ phiếu chấp nhận gói giải pháp 700 tỷ USD và Tổng thống Bush ký thông qua. Tuy nhiên, đến ngay cuối phiên, giới đầu tư trở lại với tâm lý đề phòng và ồ ạt bán ra. Dow Jones lập tức sụt 157 điểm và các chỉ số quan trọng khác đều có mức giảm điểm lớn.
Chốt ngày giao dịch cuối tuần, Dow Jones giảm 157,4 điểm, chốt lại ở 10.325,38. Kết thúc tuần giao dịch, chỉ số công nghiệp để mất tổng cộng 817,75 (7,35%). Chỉ số tài chính ngân hàng Standard & Poor's 500 giảm 15,05 điểm, dừng lại ở 1.099,2 và Nasdaq sụt 29,33 điểm, xuống mức 1.947,3.
Vừa giao dịch trên thị trường, các nhà môi giới chứng khoán vừa theo dõi cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện Mỹ thông qua màn hình. Giới đầu tư có phản ứng thận trọng trước việc gói 700 tỷ USD được thông qua. Ảnh: Reuters |
Mức sụt giảm của phố Wall hôm qua khép lại một tuần giao dịch biến động khác thường. Hôm thứ hai, Dow Jones giảm 778 điểm sau khi Hạ viện Mỹ từ chối gói giải pháp. Ngay hôm sau, Dow Jones tăng 485 điểm do giới đầu tư kỳ vọng Chính phủ sẽ có động thái hỗ trợ nào đó. Đến thứ năm và thứ sáu, các chỉ số lại sụt mạnh.
Cả tuần qua thị trường phố Wall trở nên lộn xộn do các nhà đầu tư chưa đoán định được gói giải pháp có được thông qua hay không, và nó sẽ có tác động ra sao đến thị trường. Giới đầu tư đã trông đợi Chính phủ Mỹ cứu phố Wall bằng cách mua lại các khoản nợ xấu của các ngân hàng và định chế tài chính để cứu cả ngành này khỏi nguy cơ đổ vỡ, cũng như làm giảm tình trạng thị trường tín dụng bị đóng băng.
"Chúng ta đã lâm vào một cuộc khủng hoảng tín dụng nghiêm trọng từ 3 tuần nay, và hiện chưa biết hậu quả của nó đối với kinh tế lớn đến đâu", nhà đầu tư Hank Smith của hãng Haverford Investments nói. Ông này cho rằng, kế hoạch được thông qua có thể giúp phố Wall, nhưng những hệ quả của việc thị trường tín dụng bị đóng băng trong thời gian gần đây vẫn chưa lộ diện hết.
Tuần tới sẽ là tròn một năm kể từ khi Dow Jones và S&P 500 đạt mức điểm lịch sử trên 14.000 vào tháng 10 năm ngoái. Tính từ đó đến nay, chỉ số công nghiệp đã mất 27% và chỉ số tài chính ngân hàng giảm 32%.
Chứng khoán châu Âu hôm qua khởi sắc, song tại châu Á đi xuống. Chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 2,26%, DAX của Đức nhích 2,41% và CAC-40 của Pháp lấy thêm 2,96%. Nikkei Index của Nhật giảm 1,94%.
Thu Nga (theo AP)